Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng hồ đập và trữ lượng nước lớn nhất cả nước, với 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa trên 1,57 tỷ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s). Mặc dù trong những năm qua Trung ương và tỉnh đã quan tâm, đầu tư sửa chữa nâng cấp nhiều công trình, thế nhưng số lượng các hồ chứa nước hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn vẫn còn rất nhiều.
Hồ đập oằn mình mùa mưa bão
Toàn huyện Hương Khê có 157 hồ đập. Những năm gần đây hàng loạt công trình hồ đập bị xuống cấp nhưng chưa được xử lý. Trong đó, Đập Trạng (xã Hương Thuỷ) xây dựng hàng chục năm với nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống và tưới tiêu cho 50ha diện tích đất sản xuất.
Đến nay, thân đập đã có dấu hiệu bị thấm mạnh, chảy thành dòng, gây sình lầy trên mái hạ lưu đập. Đặc biệt, phần thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan đã bị hư hỏng, không còn đủ khả năng bảo vệ mái đập. Chỉ sau đợt mưa lớn vào cuối tháng 9 vừa qua, đập gần như đã đầy nước dù trước đó trơ đáy do hạn hán.
Cách đó không xa, hồ Cha Chạm ở xã Gia Phố (Hương Khê) cũng trong tình trạng xuống cấp. Thân đập mỏng yếu, hiện tại phần mái thượng lưu có dấu hiệu bị sạt lở, đỉnh đập có vết nứt dọc dài khoảng 21m nên thời điểm này ngành chuyên môn không tích nước ở hồ.
“Đập không tích nước cũng lo ngại vì vùng hạ du sẽ bị ngập. Hơn hết là nếu mưa lớn, nước không thể tiêu thoát còn có khả năng xảy ra vỡ đập vì thân đập yếu. Chúng tôi sống dưới chân đập cũng lo sợ vì tình trạng mưa lũ mấy năm gần đây thất thường”, bà Nguyễn Thị Thanh (trú xã Gia Phố) cho hay.
Theo thống kê, tại huyện Hương Khê có 157 hồ đập nhưng nhiều công trình xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước với dung tích nhỏ. Đến nay có 25 công trình xuống cấp trầm trọng. Riêng vụ hè thu năm 2023, huyện Hương Khê có khoảng 1.500 ha không được bố trí sản xuất lúa và có những diện tích lúa thiếu nước cục bộ một phần, nguyên nhân được xác định do khả năng tích nước của nhiều hồ đập không còn đáp ứng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Đồng – Trưởng phòng NN&PTNT Hương Khê cho biết, trước mùa mưa lũ địa phương đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phòng ngừa nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra. Một số công trình hồ đập xuống cấp nghiêm trọng như hồ Cha Chạm trước đó tỉnh đã chỉ đạo thực hiện gia cố trước mùa mưa bão nhưng đến nay chưa có kinh phí để thực hiện.
“Huyện đã đưa ra các phương án để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa lũ. Những vị trí nào có nguy cơ sạt lở cũng lên phương án để di dời dân. Ngoài công trình hồ đập xuống cấp thì tại huyện Hương Khê sau đợt mưa lũ vừa qua cũng khiến 2km bờ sông tại xã Hương Liên bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ lấn sâu vào khu dân cư”, ông Đồng nói.
130 hồ đập xuống cấp cần tu sửa
Tương tự, tại huyện Hương Sơn cũng có nhiều hồ đập xuống cấp. Vì thế, vụ hè thu năm nay, nhiều diện tích canh tác không được đưa vào kế hoạch sản xuất do thiếu nguồn nước tưới. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, địa phương vận hành 86 hồ chứa quy mô nhỏ, hiện có 12 hồ chứa xuống cấp, trong đó, 4 công trình xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng.
Việc hàng loạt "bom nước" xuống cấp nghiêm trọng chưa được khắc phục, sửa chữa trở thành vấn đề lo ngại trong mùa mưa lũ. Bởi thực tế tại Hà Tĩnh cũng đã từng xảy ra vỡ, sạt lở đập. Như sự cố vỡ đập Cố Châu tại xã Gia Hanh (Can Lộc) vào năm 2017, vỡ đê ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) vào tháng năm 2020, hay mới đây sự cố sạt lở đập Khe Xai, xã Hương Minh (Vũ Quang) vào năm 2022.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có 348 hồ chứa nước thì đến nay 130 hồ chứa đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Trong số đó 47 hồ xung yếu nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023. Điển hình là các hồ Cha Chạm, hồ Đập Trạng, hồ Mục Bài, hồ Đá Bạc…
“Với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, trong đó có hiện tượng mưa lớn vượt ra ngoài các quy luật thông thường. Hàng loạt công trình hồ đập xuống cấp đang trong tình trạng mất an toàn cao. Vì thế mùa mưa bão năm nay, chúng tôi quan tâm nhất là đảm bảo an toàn cho các hồ chứa có hạ du là khu dân cư, khu kinh tế trọng điểm và các công trình chưa có đường quản lý, đi lại khó khăn”, ông Thịnh cho hay.