Hàng loạt cây xăng bán nhỏ giọt, đối phó, người dân Hà Nội bức xúc vì phải xếp hàng dài
TPO - Mặc dù Sở Công Thương Hà Nội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nguồn cung xăng dầu, bơm thêm 1.000m3 xăng, dầu và đảm bảo các cây xăng hoạt động bình thường thế nhưng tình trạng đóng cửa, bán xăng cầm chừng vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là tại các cửa hàng xăng dầu tư nhân.
Từ 7/11, TP Hà Nội đã được cung ứng thêm hơn 1.000 m3 xăng và dầu cho 5 thương nhân phân phối trên địa bàn và đã giảm bớt khó khăn về nguồn cung mặt hàng này trên toàn thành phố. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ không còn tình trạng thiếu xăng dầu, bán cầm chừng từ 8/11.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 9/11, nhiều cây xăng bán theo kiểu đối phó, khiến người mua gặp nhiều khó khăn
Tại cửa hàng xăng dầu khâm thiên của Công ty Cổ phần xăng dầu HFC chỉ có một người bơm xăng, khiến hàng xe chờ đổ xăng kéo dài cả chục mét
Tương tự, cửa hàng xăng dầu Thành Công cũng của công ty này có 3 cột bơm nhưng chỉ có một người bơm xăng
Chị Tâm (phường Thành Công) cho biết, cây xăng nào cũng đông, xếp hàng như thời bao cấp. Được biết, chị phải chờ 20 phút mới đến lượt vào bơm xăng
Trong khi đó, một số cửa hàng xăng dầu vẫn treo biển hết xăng, còn dầu. Trên ảnh là cây xăng thuộc doanh nghiệp tư nhân đại lý của PVOIL tại 682 tại Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm
Cửa hàng xăng dầu Bảo Anh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) giăng dây, đóng cửa
Việc các cây xăng dầu tư nhân bán xăng cầm chừng, đối phó với cơ quan chức năng khiến lượng người đổ về các cửa hàng của Petrolimex càng đông.
Người dân đội nắng giữa trưa để đổ xăng tại ngã tư Trường Chinh - Đại La
Petrolimex đã tăng cường bán hàng 24/24h từ hôm nay đến hết ngày 13/11/202. Các cây xăng đều được bố trí 4 - 5 nhân viên bơm xăng
Tuy nhiên do lượng người đổ dồn về các cây xăng Petrolimex quá đông nên cảnh xếp hàng chờ đổ xăng diễn ra thường xuyên khiến người dân bức xúc. "Sáng nay tôi phải xếp hàng gần 1 giờ đồng hồ mới đổ được 50 nghìn tiền xăng do cửa hàng chỉ bán mức này. Chúng tôi chấp nhận giá điều chỉnh một chút, mất thêm chi phí nhưng đỡ phải xếp hàng khốn khổ như hiện nay", một tài xế Grap bức xúc chia sẻ.