Ngày 9-11, Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), cho biết đã hoàn tất việc lai dắt tàu chở dầu thô 104.000 tấn từ vịnh Dung Quất vào khu vực ụ nổi của Nhà máy đóng tàu Dung Quất để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các hạng mục mới.
Như vậy, sau hơn 5 tháng, kể từ khi DQS bàn giao cho Tổng công ty CP vận tải dầu khí (PV Trans), tàu chở dầu thô 104.000 tấn mang tên PVT MERCURY có chiều dài 245 m, rộng 43 m, cao 20 m, mớn nước 11,7 m, vận tốc 14,7 hải lý/giờ - được xem là tàu chở dầu thô lớn nhất, hiện đại nhất, lần đầu tiên được chế tạo, đóng mới tại VN... đã quay trở lại ụ sửa chữa.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch DQS, năm 2006, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) đóng mới tàu PVT MERCURY dựa trên bản thiết kế của Ba Lan, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, dự kiến hạ thủy vào giữa năm 2009. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công vẫn “nằm dài” trong ụ nổi. Đến tháng 8.2010, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất được chuyển giao cho Tập đoàn dầu khí VN (PVN).
Kể từ khi tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất, DQS tiếp tục thi công tàu PVT MERCURY theo thiết kế cũ nên chưa đảm bảo an toàn trong vận hành, không đạt theo chuẩn quốc tế. “Đây là nguyên nhân chính mà sau khi bàn giao, chạy thử, PV Trans đã trả lại, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục mới để tàu hoạt động an toàn theo tiêu chuẩn mới hàng hải quy định”, ông Hội nói.
Cũng theo ông Hội, PV Trans yêu cầu DQS thay đổi cấu trúc, bổ sung van cách ly, hệ thống đường ống, hầm hàng, hệ thống cứu hỏa... với kinh phí dự toán khoảng 4 triệu USD. “Đối với giải pháp kỹ thuật 2 bên đã bàn bạc, chỉ còn đàm phán hợp đồng và nguồn tài chính. Nếu thống nhất thì chỉ trong vòng 2 tháng, DQS sẽ hoàn thiện tất cả yêu cầu kỹ thuật mà PV Trans đưa ra”, ông Hội khẳng định.
Một con tàu chở dầu khác trọng tải 105.000 tấn đang thi công dở dang tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng có số phận hẩm hiu. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tháng 2.2009, Vinashin đặt đóng mới con tàu này với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 63 triệu USD. Tàu có chiều dài 243,8 m, rộng 42 m, chiều cao mạn 21,4 m, vận tốc 14,5 hải lý/giờ, do Công ty tư vấn hàng hải Hàn Quốc (KOMAC) thiết kế. Dự kiến, tháng 7.2010 sẽ bàn giao cho chủ tàu PV Trans.
Khi Vinashin bàn giao lại, DQS tiếp tục thi công thêm nhiều hạng mục nhưng xem xét nhu cầu trong toàn ngành, PVN quyết định sẽ “hóa kiếp” tàu chở dầu thô 105.000 tấn thành kho chứa dầu nổi, phục vụ cho việc trữ dầu tại mỏ Đại Hùng. Để chuyển đổi công năng từ tàu chở dầu thô thành kho chứa dầu nổi, DQS sẽ phải điều chỉnh 20 hạng mục, thiết bị với kinh phí khoảng 20 triệu USD.
Theo Hiền Cừ
Thanh Niên