Người bám trụ, kẻ buông xuôi
Đội tàu du lịch của Quảng Ninh hiện có 504 chiếc, trong đó hơn 300 chiếc là tàu tham quan vịnh Hạ Long theo tiếng và 200 tàu ngủ đêm trên vịnh. Chi phí để đóng một con tàu ngủ đêm có giá trên dưới 100 tỷ đồng. Để vận hành được một con tàu ngủ đêm từ 4 - 5 sao, doanh nghiệp phải tiêu tốn không ít tiền của. Trung bình mỗi con tàu ngủ đêm cần khoảng 20 nhân viên để vận hành.
Đứng thẫn thờ bên cầu cảng, Anh Vũ Đình Linh (45 tuổi), chủ của một hãng tàu lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ninh bần thần nói: "Cứ đà này thì phá sản là điều không thể tránh khỏi. Mỗi tháng không làm gì tôi cũng mất ngót nghét 500 triệu để duy trì sự sống cho 15 con tàu. 300 triệu là chi phí nhân công, duy tu bảo dưỡng, 200 triệu là tiền lãi ngân hàng".
Theo anh Linh tính toán, một tàu nghỉ đêm từ 8 đến 14 phòng phải chi phí bình quân 50 triệu đồng mỗi tháng dù không chạy. Trên tàu vẫn phải duy trì hai nhân viên để trông coi, trong đó tiền lương, tiền ăn, tiền đóng bảo hiểm cho hai người khoảng 20 triệu một tháng rồi kèm các loại chi phí như đăng kiểm, bến bãi, duy trì bảo dưỡng…
"Riêng tiền cạo hà bám vào thân vỏ tàu cũng đã đủ chết. Hà bám dưới vỏ tàu, mỗi lần muốn cạo lại phải lên đà. Nhưng lên đà đâu có đơn giản, mỗi lần lên cũng mất ít nhất 50 triệu. Cứ vài tháng phải lên 1 lần vì tàu không chạy hà sẽ bám nhanh hơn với tàu được vận hành hàng ngày", anh Linh buồn bã tâm sự.
Trò chuyện với ông Bùi Công Hoan, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long mới biết thêm hàng loạt khó khăn đang đổ lên đầu doanh nghiệp có tàu du lịch. Theo ông Hoan, thà không chạy tàu còn lỗ ít hơn là cho chạy. Vì chi phí để vận hành một con tàu là rất lớn, trong khi lượng khách du lịch của Quảng Ninh thời điểm hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Tỉnh mở cửa du lịch trở lại và yêu cầu các thuyền viên phục vụ trên tàu phải xét nghiệm COVID. Mỗi thuyền viên mất gần 800 nghìn cho một lượt xét nghiệm nhưng chỉ sử dụng được 1 tuần. Trong khi đó, mỗi tàu của chúng tôi có vài chục nhân viên thì riêng tiền xét nghiệm đã vượt quá xa so với số tiền thu được từ việc chạy tàu. Thế cho tàu nằm bờ con hơn là chạy trong thời điểm này", ông Hoan nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trước khó khăn chồng chất và những áp lực quá lớn về kinh tế, đã có rất nhiều chủ tàu chọn cách buông xuôi. Nhiều doanh nghiệp rao bán tàu để trả nợ, một số doanh nghiệp chọn cách nằm im bất động để tiết kiệm nhất chi phí phải bỏ ra để duy trì sự sống cho các con tàu.
Cầu cứu Thủ tướng
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long, thành viên Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho biết, trước rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp có tàu du lịch, Chi hội cũng đã nhiều lần bàn bạc lấy ý kiến chung để tìm giải pháp nhằm giảm thiệt hại ít nhất cho các hội viên nhưng đều gặp phải vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất chúng tôi gặp phải là các khoản vay từ ngân hàng.
"Nếu không có dịch bệnh thì việc trả lãi ngân hàng sẽ không có gì khó khăn, nhưng gần 2 năm nay tàu chúng tôi phải nằm bờ không thể hoạt động thì lấy đâu ra nguồn thu để trả lãi đúng thời hạn?"
Cũng theo ông Phượng, ngày mai (15/6), Chi hội sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Đứng trước những khó khăn và nguy cơ phá sản, Chi hội tàu du lịch Hạ Long có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đơn trình bày, trong những năm trước năm 2020, Chi hội đã đạt được những kết quả vượt bậc và vô cùng tốt đẹp, góp phần vào thành quả của ngành du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước. Đồng thời giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 5.000 người lao động.
Tuy nhiên dịch COVID-19 xảy ra từ hơn 1 năm nay đã đem đến rất nhiều khó khăn và hệ lụy cho toàn thể các chủ tàu và người lao động của Chi hội tàu du lịch Hạ Long.
Thời gian qua, các tàu không có khách, phải hoạt động cầm chừng, nhiều tháng buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn theo các thông báo của UBND tỉnh để phòng chống dịch bệnh.
Do đó, dẫn đến không có nguồn thu trong khi đặc thù của ngành kinh doanh tàu du lịch vẫn phải duy trì lượng thuyền viên cần thiết để trông coi tàu, các chi phí tiền lương, BHXH cùng nhiều chi phí khác vẫn phải chi hằng tháng.
Đặc biệt, các món vay ngân hàng đã thực sự trở nên là một gánh nặng khủng khiếp và cực kỳ nguy hiểm cho mỗi chủ tàu hiện nay (cơ cấu nguồn vốn vay thường chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án này)...
Đến nay, nhiều dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, nhiều dự án vẫn đang dở dang, song tất cả cùng chung số phận là mất sạch mọi nguồn thu theo dự kiến vì không có khách để phục vụ, dẫn đến nguy cơ không thể trả nợ vay cả vốn và lãi.
Doanh nghiệp không còn cách nào khác, phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Nhà nước, xin Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trước những khó khăn tiến thoái lưỡng nan, cứu doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản vì dịch COVID-19 này.