Hàng chục ngàn hộ dân nơm nớp lo vỡ đê, Cà Mau cần ban bố tình trạng khẩn cấp

TPO - Khảo sát thực địa tuyến đê biển Tây Cà Mau vào ngày 5/8, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, cho rằng tỉnh Cà Mau cần ban bố tình trạng khẩn cấp.

"Đề nghị tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động lực lượng hộ đê, triển khai giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ đê, bảo vệ hàng chục ngàn hộ dân phía trong đê”, ông Nguyễn Trường Sơn nói. Trong ảnh: Triều cường, gió mùa gây sóng biển lớn uy hiếp tuyến đê biển Tây Cà Mau

Từ ngày 2 đến 4/8, gió mùa Tây Nam mạnh, triều cường dâng cao gây sóng lớn, làm sạt lở hơn 300m đê biển Tây. Đoạn đê bị sạt lở nắm trên tuyến Đá Bạc – Kinh Mới thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Những người dân sống khu vực đê biển Tây, tại địa bàn xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, khoảng 15h ngày 3/8, triều cường dâng cao, gió Tây Nam hoạt động mạnh đã tạo nên những đợt sóng cao từ 2- 4 m, vượt qua kè ngầm phá sóng, vượt qua mặt đê, tràn vào khu dân cư phía trong đê tại địa bàn huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Khu dân cư ven biển bị sóng san bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thị sát tình hình và chủ trương hộ đê khẩn cấp. Từ ngày 3- 5/8, tại tuyến đê biển Tây thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời) có hơn 200 người hộ đê tại chỗ và bộ đội vào cuộc, vận chuyển bao tải đất, cừ tràm gia cố thân đê. Nhưng mưa kéo dài, sóng biển lớn, khiến nguy cơ vỡ đê tăng lên.

Tại tuyến đê bị sạt lở (356 m đoạn Đá Bạc- Kinh Mới thuộc xã Khánh Bình Tây), lực lượng hộ đê đã dùng 2.500 cây cừ tràm, 7.000 bao tải đựng đất để gia cố chân đê bị sạt lở.

Khảo sát thực địa tuyến đê biển Tây Cà Mau, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nói: “Đề nghị tỉnh Cà Mau hộ đê tích cực hơn để tránh vỡ đê. Đồng thời, các dự án đã duyệt vốn cần phải triển khai nhanh. Đai rừng phòng hộ có vai trò quan trọng phòng chống sạt lở là giải pháp lâu dài”.