Hàng chục bản đồ Trung Quốc cổ không có Hoàng Sa, Trường Sa

TP - Chia sẻ hình ảnh hàng chục bản đồ cổ Trung Quốc trên mạng không có Hoàng Sa, Trường Sa, một nhà nghiên cứu trẻ thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, bên cạnh bản đồ, cần phải kết hợp nghiên cứu các tư liệu lịch sử khác để tăng cường bằng chứng cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Bản đồ “Đại Thanh đế quốc” (trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”), Tuyên Thống nguyên niên (1908), Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành, không có Hoàng Sa, Trường Sa

> Tư liệu cổ Trung Quốc ghi nhận : Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Chử Đình Phúc, sinh năm 1984, hiện công tác tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, đây là một phần trong khối tài liệu anh đã thu thập được trong 5 năm làm việc.

Anh Phúc nói: Có những tài liệu phải lấy từ thư viện các trường đại học ở Trung Quốc đại lục cũng như Hong Kong, Đài Loan, hay phải mua tài khoản qua mạng.

Những bản đồ tôi có được là một phần trong kho tư liệu điện tử về lịch sử Trung Quốc của cá nhân tôi, bao gồm: sách (dạng điện tử PDF) về Trung Quốc, các bài tạp chí, luận văn bằng tiếng Trung, Anh... cùng một số bản chụp về các bản đồ của Trung Quốc.

Cụ thể anh đã chia sẻ hình ảnh của những bản đồ nào?

Thực ra thì tôi cũng chỉ đưa hình ảnh những bản đồ đó lên trang web cá nhân cho bạn bè tham khảo. Ví dụ như bản đồ “Nhị kinh thập bát tỉnh tổng đồ”, “Quảng Đông toàn đồ” trong sách “Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ” năm 1850; “Đại Thanh quốc toàn đồ”, bản đồ tỉnh Quảng Đông với đảo Hải Nam trong sách “Đại Thanh đế quốc phân tỉnh tinh đồ”, tác giả: Y Điền Hùng Phủ, NXB Đông Kinh (Tokyo), 5-1907; bản đồ “Đại Thanh đế quốc” trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, 1908, Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành; bản đồ “Thanh quốc đại địa đồ cách mạng động loạn địa điểm chú” do người Nhật Bản vẽ năm 1912, hiện lưu trữ tại Thư viện Đại học California ở Berkeley (Mỹ);

Bản đồ tỉnh Quảng Đông với cực Nam là đảo Hải Nam trong sách “Trung Quốc địa đồ sách” do Nhật Bản xuất bản năm 1939,.. Tất cả các bản đồ này đều chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến cực Nam là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi đăng tải trên trang cá nhân, những hình ảnh mà anh chia sẻ đã nhận được sự quan tâm như thế nào của cộng đồng mạng?

Một số người đã lấy các hình ảnh về để chia sẻ trên trang cá nhân của họ. Một số khác chia sẻ đường link hoặc dẫn nguồn lại Facebook của tôi. Sau đó, thông tin được lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng…

Anh đã tìm hiểu được những thông tin gì trên các tấm bản đồ này?

Cần phải biết rằng đây chỉ là những bản scan các tài liệu, scan bản đồ gốc. Tôi cũng không phải là người có chuyên môn nghiên cứu bản đồ. Trên một số bản đồ tôi đã xác định được đầy đủ các thông tin về tác giả, nhà xuất bản, nơi xuất bản..., số còn lại đang tiếp tục nghiên cứu thêm.

Theo anh, việc công bố những tấm bản đồ này rộng rãi ra thế giới có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền của ta hiện nay?

Tôi cho rằng đó là những tư liệu quý, góp phần thêm chứng cứ cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phải tìm kiếm, sưu tầm được bản gốc của những tấm bản đồ này để nghiên cứu kỹ hơn thông tin trên đó, đồng thời cần nghiên cứu các tư liệu lịch sử khác như thư tịch, cổ vật không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Trung Quốc và nước ngoài, v.v...

Tôi đã tìm gặp giáo sư Hán Nôm Ngô Đức Thọ để xác minh lại giá trị các bản đồ mà tôi chia sẻ hình ảnh.

Theo GS Thọ những thư tịch có bản đồ liên quan trực tiếp đến chủ quyền biển đảo phải được tổ chức nghiên cứu một cách công phu, đúng bài bản chuẩn mực trước khi đưa vào danh mục các bản đồ minh chứng chủ quyền Việt Nam.

Có như thế thì các kết quả nghiên cứu mới có thể sử dụng được, đặc biệt trong đấu tranh ngoại giao.

GS Thọ cũng cho rằng, cần thành lập hội đồng khoa học quốc gia với sự tham gia của các nhà khoa học, đặc biệt là các chuyên gia từng có những công trình khảo cứu biên soạn về thư tịch học, văn bản học Hán Nôm Việt Nam, các công trình nghiên cứu, xuất bản về bản đồ, đặc biệt là bản đồ cổ.

Ngoài ra, cần phải sưu tập cả những bản đồ thời cổ và cận đại do Trung Quốc biên vẽ và xuất bản để chứng minh cương vực qua các triều đại của Trung Quốc từ thời cổ cho đến những năm đầu của thế kỷ 20. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.

Cảm ơn anh.

Mỹ Hằng
thực hiện

Theo Báo giấy