Gần 3 tháng kể từ khi đề xuất lên Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hiện đang phối hợp với các cơ quan chính phủ và các nghị sĩ để xây dựng những điều khoản và quy tắc cần thiết, tiến tới chấm dứt việc cấm tiếp cận truyền thông Triều Tiên, Korea Times đưa tin.
Quyền truy cập sẽ được mở dần dần, bắt đầu bằng việc cho phép người Hàn Quốc xem các nội dung phát sóng của Triều Tiên, ví dụ chương trình của thông tấn xã trung ương nhà nước Triều Tiên, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kwon Young-se nói với các thành viên Quốc hội cuối tuần trước. Việc tiếp cận một số ấn phẩm khác, ví dụ tờ Rodong Sinmun, sẽ được cho phép sau đó.
Bộ trưởng Kwon cho biết hiện vẫn chưa quyết định được việc liệu công dân có nên được phép truy cập các trang web do chính phủ Triều Tiên điều hành hay không.
Quy định cấm tiếp cận truyền thông Triều Tiên nằm trong Đạo luật An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, được thông qua vào năm 1948 khi hai miền bán đảo mới bị chia cắt. Các công dân Hàn Quốc - Triều Tiên bị cấm tiếp cận truyền thông của nước còn lại và không được liên lạc xuyên biên giới. Ví dụ, khi Triều Tiên gửi truyền đơn qua biên giới vào những năm 1960, 1970, cư dân Hàn Quốc vô tình nhặt được các truyền đơn này đã phải báo cáo chính quyền.
Mục đích của việc chấm dứt lệnh cấm là thúc đẩy tự do ngôn luận và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, các nhà quan sát như Giáo sư Jeon Young-sun của Đại học Konkuk lại cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng sẽ không làm điều tương tự.
Giáo sư Jeon nói với AP vào đầu năm nay rằng việc cho người Triều Tiên tiếp cận nội dung truyền thông và văn hóa của Hàn Quốc một cách thoải mái sẽ tạo ra “mối đe dọa thực sự lớn” đối với chính quyền của ông Kim Jong-un.
Tổng thống Yoon nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ với sáng kiến này từ đảng đối lập Dân chủ - hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Đảng này từ lâu đã tìm cách sửa đổi hoặc bãi bỏ Đạo luật An ninh Quốc gia.
Tuy nhiên trên thực tế, người Hàn Quốc vẫn có thể lách lệnh cấm bằng cách sử dụng VPN hoặc máy chủ proxy để truy cập các trang web của Triều Tiên. Một số nội dung của Triều Tiên cũng được đăng trên YouTube.
Về mặt kỹ thuật, hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi xung đột năm 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình.
Căng thẳng tiếp tục leo thang trong những tháng gần đây khi Seoul tiến hành các cuộc tập trận chung với lực lượng Mỹ và Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử tên lửa.
Hồi tháng 8, Tổng thống Yoon đã đề nghị cung cấp viện trợ kinh tế cho Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un bác bỏ sáng kiến này.