Những năm qua, cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, để bảo đảm an toàn cho người đi bộ sang đường, việc thiết kế, xây dựng các hầm bộ hành thường được làm đồng bộ với các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, ở những khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn, rất nhiều hầm bộ hành đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Điển hình như, trên đường Phạm Hùng có 6 hầm, trên đường Khuất Duy Tiến có 5 hầm, 13 hầm trên đường Lý Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa... Chi phí xây dựng, vận hành mỗi hầm lên đến hàng tỷ đồng.
Sau khoảng 10 năm được đưa vào sử dụng, các hầm đi bộ trên địa bàn thành phố đã bước đầu giúp cho người dân an toàn khi muốn sang đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hầm đi bộ chưa phát huy hiệu quả, lượng người đi bộ dưới hầm đi bộ hàng tỷ đồng rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người, gây lãng phí không nhỏ.
Ghi nhận của PV, đoạn đường Lý Sơn (quận Long Biên, Hà Nội), dài khoảng 2km nhưng được bố trí tới 3 hầm đi bộ sang đường, tuy nhiên quang cảnh xung quanh rất vắng vẻ, rất ít người dân đi bộ trên tuyến đường này. Hầm đi bộ gần như bỏ hoang, rất hiếm người qua lại, nhiều hạng mục xuống cấp, bên dưới có mùi xú uế từ nước, rác thải.
"Tôi chẳng thấy ai xuống hầm đi bộ này cả, thi thoảng trời mưa to thì thấy người ta vào trú mưa thôi. Ở đây chủ yếu những người hay đi xe buýt sang đường nhưng họ cũng đi bên trên chứ không đi xuống hầm", chị Hà, chủ kinh doanh quán ăn trên đường Lý Sơn chia sẻ.