Theo ông Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vào dịp kỷ niệm này, Hải Phòng cũng muốn tổ chức thế nào đó để tạo ra một không khí vui vẻ, khấn khởi, để khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết trong nhân dân.
Tuy nhiên, Hải Phòng cần lựa chọn cách thức thực hiện và thời điểm như thế nào cho hợp lý. Mặc dù Hải Phòng là một địa phương kinh tế phát triển tốt, thu ngân sách cũng lớn, thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trước tình hình chống dịch Covid – 19, rồi bao nhiêu việc cần làm khác thì quyết định đó đã phù hợp chưa, có thiết thực hiệu quả không?
“Ấm chén hay cờ tổ quốc, các gia đình hầu như có rồi. Nhà lớn treo cờ lớn, nhà nhỏ treo cờ nhỏ. Có nhà dùng bộ ấm chén lớn, có nhà chỉ dùng bộ vừa phải, không phải nhà nào cũng như nhà nào. Vì vậy, quà tặng ấm chén và cờ mà Hải Phòng dự kiến chi không thiết thực lắm.
Mặt khác, nhiều người cũng không có nhu cầu để dùng. Họ muốn dùng số tiền đó tập trung cho nhiều việc làm thiết thực khác. Thay vì bỏ ra 269 tỷ đồng mua ấm chén, nhiều người cũng mong muốn dùng số tiền đó dành cho những việc mang tính chất an sinh, xã hội. Đó có thể là những công trình văn hóa, vui chơi thể thao, hoặc trường học, hay dành cho những đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, đối tượng còn khó khăn trong cuộc sống”, ông Lượng cho hay.
Theo ông Lượng, Hải Phòng nên tham khảo ý kiến người dân. HĐND thành phố ra quyết định cũng phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của người dân. Thành phố đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đã tìm hiểu như cầu thực tế của người dân trên địa bàn để đưa ra quyết định đó chưa?
“Tôi tin rất nhiều người dân muốn dành phần quà đó để phục vụ cho công việc khác thiết thực, hiệu quả hơn. Họ đâu muốn trong nhà đã có ấm chén rồi, giờ lại thêm một bộ ấm chén nữa. Nếu được tặng món quà như vậy, bản thân tôi cũng không mặn mà”, ông cho hay.
Điểm đáng lưu ý khác, Hải Phòng không phải địa phương đầu tiên mua ấm chén tặng người dân. Đại biểu Lượng cho rằng, các tỉnh, thành khác cũng nên coi đó là một bài học để hiểu hơn về nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ không những cần có ý kiến riêng với Hải Phòng, mà cần có chỉ đạo chung cho cả nước. Để trong những việc làm tương tự như vậy, các địa phương sẽ hạn chế bớt những việc làm chưa tạo được sự đồng thuận cao.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có hai luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến rất đồng tình, nhưng có ý kiến cho rằng trong điều kiện này, phải tính toán làm sao chi tiêu hiệu quả.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phân tích, theo luật Ngân sách Nhà nước, thẩm quyền chi khoản tiền này thuộc UBND và HĐND thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay nên rà soát lại các khoản chi này, vì đây cũng là tiền thuế của người dân.
Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường), HĐND thành phố Hải Phòng đã thống nhất chủ trương về việc tặng quà cho người dân thành phố nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2020). Mỗi suất quà có trị giá 500.000 đồng, gồm 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc, với kinh phí dự kiến 269 tỷ đồng.