Hai kỷ lục hiến máu Việt Nam

TP - Sau khi nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2014 với hành động thiện nguyện hiến máu kỷ lục 79 lần, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1962, trú huyện Bình Chánh, TPHCM, làm nghề phụ giúp việc nhà) trở về cuộc sống thường nhật với bao nỗi lo toan.

Chục năm âm thầm hiến máu

Trò chuyện trong căn nhà nhỏ gia đình vừa thuê, bà Nhàn kể, lần đầu tiên thấy tấm băng - rôn vận động hiến máu nhân đạo treo gần đường vào công ty bà làm. Là vào năm 1996, “Lúc đó, mình tò mò rủ bạn cùng đi. Cuối cùng không ai đi cả, mình làm liều đi thử xem sao. Lần đầu hiến máu, nhìn thấy người ta rút máu, mình cũng sợ lắm, nhưng khi hiến xong, thấy không sao cả nên những lần sau không còn sợ sệt”, bà Nhàn nói.

Bà Nhàn nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2014. Ảnh: Việt Văn.

Nhưng bà Nhàn bị gia đình ngăn cấm, nên mỗi lần đi hiến máu là phải giấu, âm thầm đi. Những phần quà bồi dưỡng để lấy lại sức khỏe như sữa, thuốc men bà đều không mang về nhà, mà gửi lại phòng bạn. “Lúc đó, mẹ tôi kịch liệt phản đối khi biết đi hiến máu. Theo bà, hiến máu không tốt cho sức khỏe. Bà cứ cằn nhằn mỗi khi tôi đi. Nếu để bà thấy tờ phiếu chứng nhận hiến máu là bà xé hết”, bà Nhàn nhớ lại.

Ông Huỳnh Ngọc Phương (SN 1962, ngụ huyện Bình Chánh, hành nghề chạy xe ôm), chồng của bà Nhàn, kể: “Thời gian đầu, vợ mình đi hiến máu cũng lo lắng lắm, bởi thời đó, bả ốm yếu, nhỏ người lắm. Rồi thêm sinh đứa con đầu lòng, chỉ lo sợ cho sức khỏe nên cũng không muốn cho đi hiến máu. Thấy bả cương quyết nên thôi”.

Trong lễ khai mạc Chủ nhật Đỏ 2015 tại TPHCM ngày 25/1, nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM, trao kỷ niệm chương cùng phần quà trị giá 3 triệu đồng/người cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và anh Nguyễn Hữu Thuận, hai người có số lần hiến máu kỷ lục 79 lần. 

Vượt qua được rào cản gia đình nhưng sự cám dỗ từ các "cò" bán máu nhiều lúc làm bà cuốn theo. Bà Nhàn nói: “Lúc có chồng, có con, mình ra riêng ở. Phải đi thuê nhà trọ để sống. Thời đó, hai vợ chồng đều đi làm thuê, đồng lương không có bao nhiêu. Mà thời đó là các năm 1996 - 2000, mỗi đơn vị máu hơn 60 nghìn đồng, trong khi tiền thuê nhà trọ chỉ có 40 nghìn đồng. Tính ra, mỗi lần hiến máu là trang trải được tiền nhà, tiền ăn. Lúc đó khó cưỡng lại lắm. Hiến máu ở trung tâm thì không có tiền thù lao, mà chỉ có sữa, thuốc”.

Có đôi lúc không cưỡng lại được, bà cũng đi bán máu để nuôi 4 đứa con. Trước sự động viên, chia sẻ của cán bộ Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TPHCM, bà nhận ra được ý nghĩa việc hiến máu tình nguyện. “Sau những lần suy nghĩ, mình thấy đi hiến máu ở trung tâm cứu rất nhiều người, được sự ghi nhận của xã hội. Hơn nữa, ở đây, mọi người đều giúp đỡ mỗi khi mình khó khăn, dù không nhiều nhưng mình thấy được ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Giờ 4 đứa con đều khôn lớn, tôi vẫn thường hay khuyên các con đi hiến máu như mình”, bà Nhàn nói.

Anh Thuận hiện là nhân viên trực đường dây nóng của Đội quản lý trật tự đô thị quận 1. Ảnh: Văn Hiếu.

Vận động nhiều người cùng hiến máu

Bà kể, một lần đi thăm bạn đang điều trị ở Bệnh viện tỉnh Bình Dương năm 1997, bà thấy một em bé mới hơn một tuổi bị bệnh, rất cần tiếp máu, nhưng bệnh viện không đủ máu. Nhà cháu bé rất nghèo, người mẹ ngồi ôm con khóc mãi. Bà liền đăng ký thử và cho máu, kết quả cho thấy cháu bé nhận được máu của bà. Hai ngày sau, bà Nhàn đi ba chuyến xe lên bệnh viện để cho máu. Bắt đầu từ đây, suốt hai năm ròng, cứ 3 - 4 tháng, bà lại lên Bệnh viện tỉnh Bình Dương âm thầm hiến máu chữa trị cho cháu bé.

Bà cười nói: “Trời cho mình sức khỏe tốt. Càng đi cho máu, mình càng khỏe và mập ra”. Mỗi lần đi, bà đều rủ thêm vài người bạn ở trong xóm trọ. Đến nay, bà có hơn 20 người bạn đồng hành hiến máu với mình. Người hiến máu ít nhất cũng hơn 10 lần, có người 40, 50 lần hiến máu.

“Hiệp sĩ” hiến máu

Anh Nguyễn Hữu Thuận (SN 1974, quận Tân Bình, TPHCM, nhân viên trực đường dây nóng của Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) đã hiến máu 79 lần (trong 22 năm), với 146,5 đơn vị, tương đương 36,625 lít máu.

Anh kể, lần đầu hiến máu là vào năm 1993, và liên tục từ đó tới giờ, anh luôn tham gia hiến máu, khoảng ba tháng một lần tại Trung tâm Hiến máu Nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TPHCM. Cũng có khi anh hiến máu cho bệnh nhân tại Viện Tim TPHCM. Anh còn vận động người thân và bạn bè tham gia hiến máu. Anh Thuận tâm sự: “Mỗi người có một cách thức để giúp đỡ người khác. Có người giúp đỡ bằng tiền bạc, có người thì tạo công ăn việc làm. Còn tôi, không có gì ngoài sức khỏe nên tôi chọn cách hiến máu”.