Theo các tiểu thương phản ánh, năm 2001, chợ TP Hà Tĩnh bị cháy, khi xây dựng chợ mới, các tiểu thương đã bỏ tiền thuê quầy bán hàng với thời hạn 15 năm. “Chợ vừa xây được 15 năm đang kinh doanh tốt. Nay hết hợp đồng, BQL chợ chỉ cho các tiểu thương ký hợp đồng 3 tháng để chuyển đổi mô hình quản lý là không hợp lý. Nghe nói chợ đã bán cho một doanh nghiệp nên bà con không chấp thuận”, một tiểu thương cho biết.
Trước tình trạng người dân bỏ chợ, tụ tập đông người tại các cơ quan nhà nước để phản đối, trưa qua, 28/11, UBND TP Hà Tĩnh tổ chức họp báo để thông tin rõ sự việc. Theo báo cáo của UBND TP Hà Tĩnh, trước yêu cầu chuyển đổi Chợ TP Hà Tĩnh theo Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016, UBND TP Hà Tĩnh đã đồng ý cho BQL chợ TP Hà Tĩnh gia hạn hợp đồng. Theo đó, 860/1.000 quầy, ki-ốt hết hạn hợp đồng, được ký gia hạn đến 31/3/2017 để chuẩn bị quá trình thực hiện chuyển đổi.
“Hiện phương án chuyển đổi vẫn chưa có. Khi hợp đồng với các tiểu thương hết hạn sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng. Sau này có phương án phải bàn bạc, trao đổi cụ thể với tiểu thương. Nếu tiểu thương chưa đồng thuận, thống nhất cao sẽ chưa chưa chuyển đổi”, ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều ngày 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đối thoại với bà con tiểu thương. Theo ông Thắng, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là chủ trương và chính sách đúng từ Trung ương tới địa phương.
“Ở đây đang là việc chuyển đổi mô hình quản lý. Chứ chưa có phương án chuyển đổi để đầu tư, nâng cấp gì cả để cho rằng quyền lợi của các tiểu thương bị ảnh hưởng. Chuyển đổi để tốt hơn, có lợi hơn cho tiểu thương chứ không phải để xấu hơn”, ông Dương Tất Thắng cho biết. Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, không có chuyện chợ đã bán cho doanh nghiệp nào cả.