> Không thể cứ chất vấn xong rồi để đấy
> Phục vụ dân sinh hay 'làm khó' người dân?
Cảnh tắc đường tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ùn tắc ngày càng trầm trọng
Nhiều đại biểu phản ánh tại phiên thảo luận ở tổ, tình trạng ùn tắc giao thông thời gian gần đây xảy ra ngày càng nghiêm trọng. “Chỉ cần mưa nhỏ thôi là Hà Nội rất có thể sẽ tắc đường. Ngày nào đi làm tôi cũng nơm nớp lo sợ. Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay tình trạng ùn tắc sẽ hết sức trầm trọng thời gian tới”-một đại biểu thuộc quận Đống Đa chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo HĐND thành phố cho hay, trong kiến nghị của cử tri hầu hết các quận huyện đều đề nghị thành phố cần khẩn trương có những giải pháp mạnh để kiềm chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, kể cả trong nội đô và các tuyến vành đai.
UBND thành phố cho biết, nhiều khu vực của Hà Nội đang bị quá tải trầm trọng về hạ tầng, nhất là khu vực vành đai 3 trở vào. Cả thành phố có tới 2.053 trường từ mầm non đến đại học, 36 bệnh viện lớn, 160 chợ ven đường. Trong đó hàng trăm trường đại học, cao đẳng, bệnh viện tập trung trong khu vực trung tâm đang là một nguyên nhân thu hút lượng người và phương tiện rất lớn tham gia giao thông.
Vận tải hành khách công cộng chậm phát triển, hiện chỉ có xe buýt và mới đáp ứng được 10% nhu cầu. Còn lại chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân với sự gia tăng hàng năm từ 10-15%. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp tại nội đô, khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị, đã dẫn đến lòng đường bị quá tải bởi gần 400.000 ô tô và gần 4 triệu xe máy, xe đạp (chưa tính đến khoảng 50.000 phương tiện vãng lai).
Mặt cắt ngang của các tuyến đường bộ phần lớn là hẹp, đường có mặt cắt trên 11 m chỉ chiếm khoảng 30% và lại có quá nhiều nút giao thông đồng mức. Hiện vẫn chưa có tuyến vành đai nào hoàn thiện để khép kín và tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ...
Đổi giờ - vẫn còn phân vân
Phát biểu trước hội đồng về đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết sau khi được HĐND TP chấp thuận, dự kiến từ ngày 1-1-2012 quy định này sẽ được áp dụng.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Đình Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội cho rằng, phân 3 nhóm như đề án chưa hợp lý. Ông Dương đề nghị chia 3 nhóm đối tượng khác, một là giữ nguyên đối tượng như trước đây, hai là nhóm không cần điều chỉnh, ba là nhóm phải điều chỉnh.
“Với trung học phổ thông, 6h30 buổi sáng bắt đầu vào học và chiều kết thúc sau 19h là không hợp lý. Sáng thì sớm quá, chiều lại muộn quá vì học sinh phải ăn sáng tại nhà, nếu đi đường xa thì phải dậy rất sớm. Buổi chiều lại tan học quá muộn như vậy thì phải 8h mới về đến nhà, vậy cả tuần mấy khi các em được ăn tối với gia đình?”-đại biểu Dương đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP, trong phiên thảo luận tổ, hầu hết các thành viên thảo luận đều trăn trở và tâm tư về đề án điều chỉnh giờ. Ông Nam khẳng định, việc này UBND TP sẽ phải giải trình thêm vì chưa nói rõ đánh giá tác động xã hội. Nhóm tiểu học, các cô giáo đứng lớp 10 tiếng/ngày sẽ vi phạm Luật lao động.
“Di dời bệnh viện, trường đại học, nhà máy nội đô đã nằm trong nhóm giải pháp từ năm 2006 khi thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ nhưng đến nay thực hiện quá chậm. UBND thành phố sẽ phải giải trình về vấn đề này. Không chỉ Hà Nội, nhiều bộ ngành cũng phải chịu trách nhiệm”-ông Nam nhấn mạnh.
Về tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè tràn lan hiện nay kể cả 64 tuyến phố văn minh đô thị cấp thành phố gây ách tắc giao thông và bức xúc dư luận, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết, đây là một trong các nội dung chất vấn vào sáng ngày 9-12 tới. Trong đó tập trung làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp khi để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng trật tự lòng đường vỉa hè.
“Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè mở hàng quán hiện nay được các đại biểu đánh giá là nghiêm trọng và lãnh đạo thành phố sẽ phải trả lời chất vấn”-ông Nam nói.