Thực hiện Kết luận số 46-KL/TƯ, thành phố tiếp tục hoàn thiện đề án theo ý kiến của Bộ Chính trị; tạo sự chủ động trong thực hiện, góp phần quan trọng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25/10/2017 của BCH T.Ư Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thành phố xác định rõ trách nhiệm, nội dung, cách thức tiến hành đối với từng tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố; tích cực phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai… cho thành phố; các quy định, văn bản pháp luật có liên quan về tổ chức bộ máy, mối quan hệ, cơ chế giám sát, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện các nội dung thí điểm... Qua đó tổ chức hợp lý bộ máy chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn của thành phố.
Các cấp ủy Đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị nhận thức rõ ý nghĩa của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị thành phố; yêu cầu thực tiễn của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trong bối cảnh đô thị hóa của Thủ đô hiện nay; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức, hành động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 46-KL/TƯ và các nội dung của đề án; hằng tháng, Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung theo Kết luận số 46-KL/TƯ, chuẩn bị các điều kiện cho việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội trong tháng 10-2019...