Thống kê của Bộ Y tế, hiện có 450 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng hơn 40 ca so với 2 ngày trước (ngày 8/1). Trong các bệnh nhân nặng, nguy kịch có gần 400 ca thở ô xy qua mặt nạ, gọng kính (tăng 24%), số còn lại là bệnh nhân thở máy, lọc máu và đặt ECMO (hệ thống tim phổi ngoài màng cơ thể).
Tính đến hết ngày 9/1, toàn thành phố có hơn 46.600 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị và cách li. Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị cho gần 3.000 bệnh nhân ở tầng 2 và 3. Hiện có hơn 43.300 F0 thuộc tầng 1, chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội. Từ 29/4 đến nay, Hà Nội có 260 bệnh nhân tử vong. Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc tăng từ 0,3% lên 0,4%.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết hiện có khoảng 200 bệnh nhân điều trị tại đây. Trong đó hơn 1 nửa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải can thiệp ECMO, thở máy, HFNC, ô xy mask/gọng kính...
“Tổn thương nặng nhất trong COVID-19 là tổn thương phổi, hô hấp, đòi hỏi nhiều thời gian phục hồi của cơ thể, có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của bệnh nhân. Thậm chí, những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, không còn khoảng lành rất khó hồi phục”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết.
Ngoài ra có những tổn thương khác như bệnh nhân nằm hồi sức lâu sẽ bị yếu cơ do bệnh lí hồi sức, dùng thuốc, thở máy, bị loét, tì đè. Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông máu, sự tương tác với bệnh lí nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.
Tập trung phân tích số ca nặng và tử vong
Phân tích về tình hình dịch tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, khẳng định: “Hiện chưa phải là đỉnh dịch vì số ca mắc tại Thủ đô sẽ còn tăng từ giờ đến Tết Nguyên đán do chủng Delta lây nhiễm nhanh, chưa kể biến thể mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh đã được ghi nhận tại nước ta.
Thêm nữa dịch đã lan rộng ở cộng đồng, gần tết người dân giao thương, đi lại nhiều sẽ gia tăng F0. Dự kiến đỉnh dịch sẽ đến vào sau Tết Nguyên đán. Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, tăng cao như thế nào, nên tập trung vào số ca nặng, ca tử vong. Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”.
Theo PGS.TS Hùng, ngành y tế Hà Nội cần phân tích các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vắc xin hay chưa và phân tích nguyên nhân tử vong. Trong đó phải nêu rõ nguyên nhân tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong.
“Với trung bình 200 bệnh nhân điều trị mỗi ngày, bệnh viện xác định đây là giai đoạn 2. Trong tình huống xấu khi lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh, viện chuyển sang giai đoạn 3 với công suất tối đa là 500-700 giường ICU. Nhân lực cho giai đoạn này cần huy động tới 1.500 thầy thuốc, tình nguyện viên”.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19
Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho rằng nên tập trung vào số ca nặng, ca có nguy cơ chuyển nặng thay vì việc quan tâm ca nhiễm tăng từng ngày. Trong đó cần phát hiện sớm các ca nguy cơ để đưa vào bệnh viện điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.
Về vấn đề cách li và điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất, Hà Nội nên mở rộng cách li, điều trị tại nhà đối với F1 và F0, mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách li.
Theo TS. Hải, với những F0 nên cho ở nhà, người thân có thể chăm sóc, theo dõi sát, phát hiện nguy cơ trở nặng. “Nếu đưa đến các cơ sở thu dung sẽ là gánh nặng cho ngành y tế, nhân viên quá tải. Chúng ta hoàn toàn có thể cho người bệnh ở nhà tùy theo triệu chứng của người bệnh”, TS. Hải nói.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng Hà Nội nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời.