Hà Nội rà soát tiêu chuẩn cán bộ chuẩn bị cho chính quyền đô thị

TPO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu rà soát đội ngũ cán bộ, công chức phường; người hoạt động không chuyên trách ở phường và tổ dân phố; bố trí sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức phường theo quy định tại Nghị định số 32 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố Kế hoạch số 100 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021 ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019 ngày 27/11/2019, của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Sau khi sắp xếp, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường cần duy trì hoạt động ổn định, bình thường; tổ chức, bộ máy của UBND các phường tinh gọn; công tác điều hành hoạt động giữa UBND quận, thị xã và UBND phường bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức và công dân.

UBND thành phố Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức hội nghị của thành phố về phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ và triển khai các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của thành phố; thảo luận các biện pháp tổ chức, thực hiện.

Sở Tư pháp Hà Nội là cơ quan chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền thực hiện Nghị định số 32 để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp nắm vững những nội dung cơ bản và thực hiện đúng quy định, phù hợp tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị.

Trong đó, công tác tuyên truyền cần được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp từng đối tượng, các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan ban hành hướng dẫn về điều kiện, quy trình, hồ sơ chuyển chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường (đang là cán bộ cấp xã), công chức cấp xã tại phường thành công chức hành chính theo quy định tại Nghị định số 32.

Ngoài ra, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ điều tiết giữa quận, thị xã và phường; Sở Tư pháp ban hành hướng dẫn nội dung Chủ tịch UBND phường uỷ quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp – Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định; nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức giữ chức danh Tư pháp – Hộ tịch được uỷ quyền thực hiện ký chứng thực.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm nhiệm vụ ban hành hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, quân sự địa phương trên địa bàn quận, thị xã, trên địa bàn các phường. Công an thành phố chủ trì ban hành hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn quận, thị xã, trên địa bàn các phường theo quy định tại Nghị định số 32.

Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ ban hành quy định về phân cấp của UBND thành phố đối với UBND các quận, thị xã; UBND các phường trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị…

Thành phố cũng yêu cầu rà soát đội ngũ cán bộ, công chức phường; người hoạt động không chuyên trách ở phường và tổ dân phố; bố trí sắp xếp bộ máy cán bộ, công chức phường theo quy định tại Nghị định số 32. Sở Nội vụ được giao thẩm định về điều kiện, tiêu chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức UBND các phường theo phương án đề nghị của UBND quận, huyện, thị xã.

“Từ 1/7/2021, HĐND, UBND các quận, thị xã Sơn Tây; UBND các phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ hoạt động theo quy định tại Nghị quyết số 97 của QH và Nghị định số 32 của Chính phủ”, văn bản nêu.

Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Nghị định quy định, biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã.

Nghị định nêu rõ, thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính phường. Thời gian giữ chức vụ chủ tịch UBND phường trước ngày 1/7/2021 được tính vào thời gian giữ chức vụ.

Từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.

Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

Căn cứ vào quy mô dân số của phường, Chủ tịch phường có thể tổ chức đối thoại với Nhân dân qua các đại diện tổ dân phố.

UBND phường phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 7 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.