Hà Nội phát triển du lịch thể thao mạo hiểm

TPO - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Du lịch Thủ đô tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa gắn với cơ cấu lại ngành Du lịch Thủ đô; chú trọng xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa, phát triển du lịch thể thao mạo hiểm
Du lịch Hà Nội đón đoàn khách đầu tiên đến Thủ đô năm 2021 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngày 20/1, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020.

Năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội đề ra mục tiêu đón 10,96 - 15,34 triệu lượt khách nội địa, khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt. Các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn mở cửa trở lại hoạt động bình thường. Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái, gắn với hoạt động thể thao.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa. Cụ thể, đối với sản phẩm du lịch di sản, Sở tập trung phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm...; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc... Tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… Phát triển nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng là thế mạnh của Hà Nội tại một số quận như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm…

Phát triển nhóm sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch gắn với thiết kế, sản xuất sản phẩm và tổ chức điểm giới thiệu sản phẩm OCOP để tăng chỉ tiêu của du khách. Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với kinh tế về đêm, trong đó lấy quận Hoàn Kiếm là trung tâm phát triển loại hình du lịch này. Phát triển các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí mới như: Bay khinh khí cầu ngắm Hà Nội trên cao, leo núi, đua xe đạp địa hình tại Vườn quốc gia Ba Vì… Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá du lịch Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị của Sở Du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin: Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Sở Du lịch Hà Nội vào ngày 19/1 vừa qua, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, thống nhất quan điểm trong hoạt động điều hành, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố giai đoạn tới. Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng của thành phố và thành phố đã chuyển Sở Du lịch từ lĩnh vực văn hóa - xã hội sang lĩnh vực kinh tế ngành để thể hiện chủ trương, tư duy này. Điều này là phù hợp, đã được Trung ương và thành phố nhận định, thông qua Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, ngành Du lịch cần tập trung rà soát, tái cơ cấu toàn diện ngành Du lịch. 

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Du lịch Thủ đô rà soát lại năng lực đội ngũ cán bộ, lao động toàn ngành; tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch lớn trong năm 2021, như: Lễ hội áo dài, lễ hội làng nghề, chương trình kích cầu du lịch; tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa gắn với cơ cấu lại ngành Du lịch Thủ đô; chú trọng xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa.