> Hà Nội cần đầu tư xây điểm đỗ xe theo quy hoạch
Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với TP Hà Nội sáng 20-2. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đã nghe nhiều ý kiến của bộ ngành có liên quan.
Lo ngại phí chồng phí
Cho ý kiến về ba đề án thu phí là phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành nội đô và phí vào trung tâm nội đô giờ cao điểm mà Bộ GTVT và TP Hà Nội đã và đang triển khai, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình về chủ trương tăng thu phí phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, nếu áp dụng 3 loại phí giao thông trên sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí.
Theo Pháp lệnh phí và lệ phí, phí là khoản tiền mà tổ chức cá nhân phải trả khi được một cá nhân khác cung cấp dịch vụ. “Như vậy đối với việc sử dụng đường bộ đã có phí sử dụng đường bộ, và Bộ GTVT cũng đang trình đề án thu phí qua đầu phương tiện. Do vậy cần phải cân nhắc thêm một chút nữa” – bà Mai đề nghị.
Với phí vào trung tâm nội đô, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay ở Singapore cũng áp dụng loại phí này. Tuy nhiên, Singapore lại không áp dụng phí sử dụng đường bộ. Vì vậy khi ta đã áp dụng phí sử dụng đường bộ rồi, bây giờ áp dụng thêm phí vào nội đô như vậy liệu có phù hợp. Hơn nữa, đề xuất một loại phí chưa có trong Pháp lệnh phí và lệ phí thì cơ quan chức năng liên quan cần phải phối hợp để trình Thường vụ Quốc hội thông qua. Phí chỉ được thu khi có trong danh mục Pháp lệnh Phí và lệ phí.
Về phương thức quản lý, bà Mai cũng lưu ý, phải cân nhắc rất kỹ, vì ô tô có thể thu qua một số hình thức như đăng kiểm, bảo hiểm còn xe máy nếu giao cho phường xã sẽ rất khó thực hiện, vì liên quan đến con người và bộ máy quản lý.
TP Hà Nội quy hoạch. Ảnh: Trọng Đảng.
Đổi giờ, bước đầu có kết quả
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, việc đổi giờ học, giờ làm bước đầu đã tạo được sự thông thoáng trên nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm buổi chiều, trước các cổng trường học vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Cùng với việc bố trí cho học sinh tan ca lệch nhau, thời gian tới các cơ quan thực hiện cần phối hợp với chính quyền địa phương để có những điều chỉnh cho hợp lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đổi giờ chỉ là một trong các giải pháp mà thành phố đang triển khai để giảm ùn tắc giao thông, trong tất cả các giải pháp đưa ra sẽ có tác dụng dần dần, chứ một giải pháp đưa ra không thể là phép mầu để chữa được căn bệnh ùn tắc giao thông.
Nhưng phải khẳng định rằng, từ khi thực hiện đổi giờ đến nay, giao thông Thủ đô đã có sự chuyển biến rõ ràng, xe buýt không còn sự quá tải và tình trạng bỏ lượt, bỏ bến; lưu lượng xe buýt tăng lên từ 700 đến 800 lượt xe/ngày.
Xem xét lại phân làn
Đánh giá việc phân làn trên nhiều tuyến phố là chủ trương đúng đắn, nhưng Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, sau một thời gian thực hiện việc phân làn đã bắt đầu biểu hiện những bất cập, do cơ sở hạ tầng và ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế nên vào giờ cao điểm, lúc vắng lực lượng làm nhiệm vụ phương tiện thường không chấp hành và lấn làn của nhau.
Hơn nữa đa số các tuyến phân làn phải dùng dải phân cách mềm nên thường xuyên bị phương tiện húc gãy, vỡ, gây mất mỹ quan. Với lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông không chỉ có hạn mà việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Từ những thực tế này, chúng ta nên xem xét và tính toán lại việc tổ chức phân làn hiện nay”, ông Nhanh đề xuất.
Để việc quản lý lòng đường, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng trên các tuyến phố đồng bộ, tránh chồng chéo ông Thăng cũng đề nghị Chính phủ xem xét có thể chuyển giao toàn bộ hệ thống này cho ngành GTVT.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ đồng ý một số ý kiến trên về mặt chủ trương. Với các khoản phí giao thông cả TP Hà Nội và Bộ GTVT cần tham khảo thêm ý kiến của Bộ Tài chính và xây dựng đề án cụ thể trình Chính phủ.
Việc phân làn trên các tuyến phố lớn và đổi giờ bước đầu cho hiệu quả vẫn phải tiếp tục thực hiện, riêng việc chuyển các trung tâm sát hạch cho Bộ Công an hai bộ (GTVT và Công an) cần phải bàn với nhau và có tờ trình báo cáo Chính phủ.
Với việc Hà Nội đã giảm được cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn giao thông giảm số người chết, bị thương từ 20 đến 30% (gấp đôi so với cả nước) trong hai tháng đầu của Năm ATGT Quốc gia, đặc biệt là tạo được sự thông thoáng ban đầu trên các tuyến phố khi thực hiện đổi giờ và cấm dừng đỗ xe trên 262 tuyến phố theo Phó Thủ tướng là một điển hình để TP HCM cũng như các tỉnh thành khác học tập.
Tuy nhiên để không gây ảnh hưởng đến nhiều người dân khi thực hiện các giải pháp trên cần có những đánh giá hiệu quả, đặc biệt với nhu cầu đỗ xe lớn của người dân hiện nay cần phải khai thác triệt để các diện tích công cộng để xây dựng điểm đỗ, bãi đỗ xe, đặc biệt sử dụng có hiệu quả các điểm, bãi đỗ xe hiện có thật hiệu quả.
“Trong thời gian sớm nhất tôi yêu cầu Hà Nội triển khai ngay các nhà để xe, bãi đỗ xe giải quyết nhu cầu cho nhân dân. Cùng với đó có chính sách phù hợp cho nhà đầu tư tham gia xây dựng các bãi đỗ xe”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề xuất chuyển TTGT thành CSGT
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề xuất, nếu được nên chuyển toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên làm nhiệm vụ trên đường thành lực lượng CSGT.
“Dân mình trông thấy công an vẫn sợ hơn là lực lượng thanh tra giao thông. Bộ GTVT đã giao cho Cục Pháp chế sang bàn với Bộ Công an, xem khả năng này có thực hiện được hay không”, ông Thăng cho biết.
Đề xuất công an cấp GPLX
Với việc cấp giấy phép lái xe, giám đốc CA Hà Nội cho rằng, trước đây việc này do công an phụ trách, trước việc nhiều trung tâm sát hạch đào tạo ẩu, không theo quy định, Chính phủ cần phải xem xét, tính toán lại cho hợp lý. Không phải vì quyền lợi nhưng để cho đồng bộ nếu có thể nên giao việc này cho công an quản lý.