Chiều 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Đi trên đường phố Hà Nội có nhiều đô thị hiện đại, phố xá sạch sẽ hơn.
Ngoài ra, nhiệm kỳ trước thì số vụ việc vi phạm xây dựng chiếm 18% nhưng nhiệm kỳ vừa qua đã giảm xuống còn 3%. Có được kết quả này là nhờ thành phố đã triển khai thí điểm mô hình Đội quản lý đô thị trực thuộc các UBND quận, huyện. Sắp tới, thành phố sẽ trình để xin Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai mô hình này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, theo ông Huệ, Hà Nội là đô thị đặc biệt đang trong quá trình phát triển, tỉ lệ đô thị hóa rất nhanh. Theo dự báo thì tốc độ đô thị hóa thời gian tới sẽ rất nhanh. Trong nhiệm kỳ tới, theo kế hoạch có ít nhất 5 quận nằm trong quy hoạch phát triển đô thị.
Tại cuộc làm việc, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất báo cáo Thủ tướng ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; thực hiện lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các trụ sở bộ, ngành, cơ quan Trung ương… trong nội thành Hà Nội, bàn giao quỹ đất cho thành phố để bổ sung xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương và phối hợp với thành phố xây dựng, trình phê duyệt chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, từ khi mở rộng địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền thành phố.
Về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, thành phố cần chú ý khẩn trương điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Bởi sau một thời gian triển khai đã xuất hiện những yếu tố mới cần phải có sự điều chỉnh lại.
Đối với mô hình phát triển đô thị, sau 10 năm phát triển thì mô hình “chùm đô thị” đó là đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm đã bộc lộ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất, sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng về gia tăng dân số nhanh và chưa giải quyết được vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nên cần phải có sự thay đổi về mô hình cho phù hợp.
Về vấn đề nhà ở, với tốc độ dân số tăng nhanh hiện nay thì thời gian qua chỉ số phát triển nhà ở của Hà Nội cũng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn người có nhà nhưng bán kiên cố mặc dù tỷ lệ này cũng thấp nhất cả nước. Bộ trưởng Xây dựng kiến nghị, trong nhiệm kỳ tới Hà Nội cần xóa nhà ở đơn sơ, bán kiên cố.
Trong vấn đề hạ tầng kỹ thuật, thời gian gần đây, Hà Nội đã phát triển hệ thống giao thông kết nối, như các tuyến đường vành đai, đường cao tốc... Nhưng diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội còn thấp vì hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển của xã hội, thành phố nên dành chỉ tiêu mới về đất đai cho hạ tầng giao thông.
Trong vấn đề kiến trúc, ông Hà cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh thực hiện thiết kế đô thị tại một số khu vực như: hai bên sông Hồng, trục Láng – Hòa Lạc, trục Hồ Tây, nhất là khu vực 2 bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, việc này còn gặp khó do Luật đê điều, phòng chống thiên tai. Nhưng thực tế nếu không thực hiện thì người dân vẫn lấn chiếm để xây dựng sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện thì lồng ghép các chương trình của Bộ NN&PTNT để tạo ra một quỹ đất mới cho quá trình phát triển đô thị và tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Thủ đô.
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, định hướng lớn của Hà Nội trong thời gian tới đối với lĩnh vực xây dựng là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch nhằm phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, thành phố rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan.
Theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch là vấn đề quan trọng nhất và nhiệm vụ cấp bách là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và theo Luật Quản lý quy hoạch 5 năm có thể rà soát sửa đổi nhưng đến nay đã 10 năm có rất nhiều thứ thay đổi từ luật pháp đến tư duy, tầm nhìn.
Về quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy, sau khi Hà Nội mở rộng, diện tích khu vực này rất lớn, nếu quy hoạch được sẽ tạo ra bộ mặt khang trang, hiện đại cho Thủ đô, là nguồn lực lớn để phát triển đô thị và giải quyết được sinh kế cho người dân.
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy cho biết, từ năm 2012, dù thành phố đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng. Chủ yếu do quy định luật làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước.
Lãnh đạo Thành uỷ đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền.