Tiền Phong lược trích nội dung:
Ngày 18/12/1972, hai lượt B-52 cất cánh từ sân bay U-Tapao, Thái Lan và căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam gầm rú cất cánh, bắt đầu cái mà không quân Mỹ gọi là “chiến dịch lớn nhất trong lịch sử không quân”. Đích đến của chúng: Hà Nội, thủ đô của Bắc Việt. Nhiệm vụ: ném bom thành phố được coi là pháo đài kiên cố nhất thế giới hồi đó. Nhiệm vụ này sẽ được lặp đi lặp lại trong 11 ngày liên tục.
Tuần này, cũng vẫn thành phố đó, đón Tổng thống Mỹ Donald và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới gặp nhau lần thứ hai.
Năm 1954, thành phố có khoảng 53.000 dân với diện tích vỏn vẹn 152km2.Hôm nay thành phố rộng hơn 3.000km2, dân số hơn 7 triệu. Các khu phố mới xung quanh thành phố dày đặc nhà chọc trời. Cửa hàng, quán ăn khắp nơi.
...Đối với Washington, Việt Nam là bằng chứng cho thấy sự thù hằn không tồn tại mãi. Đối với Bình Nhưỡng, đây là bằng chứng cho thấy hệ thống tương tự có thể có một nền kinh tế sống động.
Hà Nội chịu đợt tàn phá nặng nề nhất trong cuộc chiến với Mỹ là vào cuối năm 1972, trong chiến dịch Operation Linebacker II, được phương Tây biết đến nhiều hơn với tên gọi “ném bom dịp Giáng sinh”. Mục đích là để đưa Bắc Việt trở lại bàn đàm phán sau khi tiến trình này bế tắc và chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon cho rằng một cú sốc và chiến dịch gây kinh sợ này sẽ mang lại hiệu quả.
Trong một cuộc đàm thoại vào ngày 17/12/1972 ở Washington, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger nói với Tổng thống Nixon rằng, ông ta nghĩ người Việt sẽ “sợ chết khiếp”.
“Họ sẽ kinh hoàng tột độ”, Nixon nói.
Kết thúc chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ đã thực hiện 700 chuyến bay B-52, loại máy bay ném bom chiến lược. Ở Hà Nội, hơn 1.300 thiệt mạng.
Bệnh viện Bạch Mai bị trúng bom, bệnh nhân chết, y bác sỹ chết…
…Nhưng khu phố cổ nay vẫn giữ được vẻ quyến rũ. Phố cổ, phía bắc hồ Hoàn Kiếm, không thay đổi bao nhiêu so với trước.
Sự thay da đổi thịt của Hà Nội bắt đầu từ năm 1986, khi Việt Nam tiến hành đổi mới thị trường để thúc đẩy kinh tế.
… Thành phố tiếp tục là sự đan xen, pha trộn giữa yếu tố cũ và mới.
…“Họ không làm một cuộc cách mạng, vứt bỏ các thứ cũ rồi thay vào thứ mới. Họ đơn giản là đặt chúng cạnh nhau, song song tồn tại. Đạo Khổng, đạo Lão, Phật, chủ nghĩa cộng sản, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa tư bản, tất cả đều có ở đây”. (CNN trích lời một Việt kiều nhận xét về cuộc sống ở Việt Nam và Hà Nội nói riêng).
…Elliott (một Việt kiều-ND) nói bà không thấy tác dụng của đổi mới một cách rõ ràng cho đến năm 1993, khi quay lại Hà Nội sau 40 năm. “Không có nhiều thay đổi.Tôi nhớ lúc đó đường phố vắng lắm. Người ta đi lại bằng những chiếc xe đạp cũ… Có rất ít nhà hàng, quán cá phê bởi dân còn nghèo”, bà Elliott nói.
Nhưng bà nói thêm, sau lần về Hà Nội năm 1993 đó, cứ mỗi lần quay lại, bà lại thấy thành phố “tốt hơn và đẹp hơn trước”.
Thành phố mà ông Trump và ông Kim tới, không phải là nơi bị chiến tranh làm cho mất sức sống. “Ông Trump và ông Kim sẽ bước ra từ nhà ga mới toanh, đi trên con đường cao tốc mới dẫn vào thành phố, vượt qua cây cầu treo mới bắc qua sông Hồng, qua những ngôi nhà mới xây, các tòa nhà cao, cửa hàng, quán cà phê và khách sạn”, bà Elliott nói.
“Họ sẽ thấy một thành phố đứng lên từ tàn phá chiến tranh, thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu, một đại đô thị tự tiến vào tương lai”.