Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù xây 4 cầu vượt sông

TPO - Với số tiền đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng để xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống, Hà Nội vừa đề xuất cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư theo các hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT, BT…
Dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhiều cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô đồng thời kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. 

 Theo đó, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên - cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có quy mô đầu tư cầu dài 3km, đường 9km. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

 Dự kiến quỹ đất thanh toán mà phía Hà Nội đưa ra đối với nhà đầu tư đó là khai thác quỹ đất tại ô quy hoạch 4-5 của phân khu N9 xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (96ha).

Giải thích về lý do đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, đây là công trình có vị trí đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Hồ Tây với trung tâm di tích Cổ Loa để hình thành trục không gian cảnh quan văn hoá đô thị Hồ Tây - Cổ Loa.

Việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn đầu cầu phía Bắc được Hà Nội nhấn mạnh sẽ tạo sự kết nối đồng bộ mạng đường giao thông từ Hồ Tây đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và thúc đẩy nhanh việc phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh.

 Đối với dự án xây dựng cầu Đuống 2 dài 0,5km và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 4,2km có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

 Theo UBND TP Hà Nội, cầu Đuống hiện trạng đã xuống cấp trầm trọng, thành phố đã phải xử lý gia cố nhiều lần nhằm đảm bảo an toàn. Việc đầu tư cầu mới song song với cầu cũ nhằm tăng cường năng lực giao thông, giảm áp lực về tải trọng cho cầu cũ (chỉ phục vụ tuyến đường sắt Hà Nội -Lạng Sơn) đồng thời kết nối với trục đường 2 đầu cầu đã được cải tạo mở rộng mặt cắt theo quy hoạch, tăng cường kết nối với các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn).

Hà Nội cũng sẽ đầu tư xây dựng dự án cầu Trần Hưng Đạo dài 3km bắc qua sông Hồng với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019. Dự kiến, nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (34ha); quỹ đất tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (78,4ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, quận Long Biên (320ha) và quỹ đất bổ sung ngoài bãi Sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135ha).

Đối với dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) có chiều dài đầu tư 5,4km đi qua các quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

Mới đây, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) theo hình thức BT. Đồng thời cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn.

Theo kế hoạch dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2, gọi tắt cầu Vĩnh Tuy 2-PV ) sẽ có chiều dài khoảng 3.504m, bề rộng 19,2m; tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2015.

Tuy nhiên, dự án đã phải đình giãn, hoãn tiến độ thực hiện với lý do thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

 Mặt khác, hiện Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy) theo quy hoạch bao gồm cả mở rộng mặt cắt dưới đất và xây dựng đường trên cao.

 Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã xác định dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020; chấp thuận cho điều chỉnh hình thức đầu tư theo hợp đồng BT. Do tính cấp thiết của dự án, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư - PPP, hợp đồng BT.

 Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư dự án.

 Được biết, cơ quan lập dự án cũng đã đề xuất sử dụng quỹ đất đối ứng còn dư của dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức BT bao gồm khai thác quỹ đất 34ha tại xã Dương Xá và 78,4ha tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với quy mô diện tích khoảng 320ha; quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135ha ngoài bãi sông Hồng….