Hà Nội: Chức danh nhiều đến mức... không có người để làm

TPO - Phát biểu tại hội nghị sáng 30/11 của Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đồng tình với việc kiêm niệm các chức danh. “Nếu như kiêm nhiệm được là điều rất tuyệt vời. Vì nói thật hiện nay chúng ta có quá nhiều chức danh, nhiều đến mức không có người để làm”, ông Khanh nói.
Ông Vũ Hồng Khanh

Ngày 30/11, Thành ủy Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 06 về kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên đại bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã phường, thị trấn.

Theo ông ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, trước khi thực hiện Đề án 06, phạm vi lãnh đạo của chi bộ trên địa bàn dân cư chưa có quy định thống nhất. Việc hình thành chi bộ ở nhiều nơi chỉ căn cứ vào tình hình và số lượng đảng viên, không đồng bộ với địa bàn thôn, tổ dân phố.

“Tình hình trên dẫn đến thực trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, tổ dân phố. Điển hình là thôn Vật Lại (huyện Ba Vì) có tới 13 chi bộ lãnh đạo 1 thôn”, ông Bảo nói.

Sau 5 năm thực hiện Đề án 06, theo ông Bảo, toàn thành phố còn 7.970 thôn, tổ dân phố - tương ứng 7.970 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, giảm được 2.018 thôn, tổ dân phố, trong đó giảm 34 thôn và 1.984 tổ dân phố.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào đề án Hà Nội sẽ thực hiện mô hình thí điểm kiêm nhiệm đối với 6 chức danh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở những nơi có đủ điều kiện, gồm: Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra các quận, huyện, thị xã; Chánh Văn phòng cấp ủy đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận, huyện, thị xã.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, nếu như kiêm nhiệm được là điều rất tuyệt vời. “Vì nói thật hiện nay chúng ta có quá nhiều chức danh, nhiều đến mức không có người để làm”, ông Khanh nói.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, thành phố cũng cần phải làm rõ vấn đề thu nhập của các chức danh này. Quan điểm của ông Khanh là vị trí nào được coi là việc làm thì dứt khoát phải coi đó là thu nhập của người làm việc. Còn vị trí nào là tự nguyện, là tự trang trải, là tự quản… thì thành phố cũng cần phải tính toán lại. Bởi nhiều người làm không phải vì mấy trăm nghìn đồng.

Ông Khanh cũng nhớ lại thời bao cấp trước đây, nhiều chức danh ở thôn, tổ dân phố không có chế độ nhưng nhiều người vẫn cống hiến hết mình. Còn bây giờ chúng ta ngày càng “đẻ” ra phụ cấp và trượt dài theo nó. Theo ông Khanh, nếu hỏi kỹ một số người làm thì thấy rõ họ không phải vì phụ cấp.

“Anh Hải (Giám đốc Sở Tài chính - PV) rất hăng hái nghiên cứu cơ chế chính sách, nhưng anh chưa dám công bố số liệu. Bây giờ thành phố công bố số liệu đi, xem một năm chi mấy trăm tỷ, chắc phải hàng nghìn tỷ cho tất cả các khoản phụ cấp. Nếu thấy được con số đó chúng ta sẽ sốt ruột ngay lập tức”, ông Khanh nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung vào tinh gọn bộ máy và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Ông Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đề án cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vẫn còn rất lớn so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Còn lực lượng chuyên trách cũng lên đến 102 nghìn người. Hàng năm thành phố phải chi ngân sách để cấp phụ cấp cho các cán bộ này là 1.079 tỷ đồng.