> 'Tiệc cưới không quá 300 khách' - ai giám sát?
Theo đó, số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
So với nội dung dự thảo trước đó, Chỉ thị chính thức được ban hành cơ bản giữ nguyên quy định như dự thảo, có bổ sung quy định cơ quan thanh, kiểm tra giám sát, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
Trong chỉ thị, Hà Nội nêu rõ, những năm qua, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VIII về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và các quy định có liên quan, nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân TP về việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới đã được nâng lên đáng kể.
Trong đó, có những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, như quận Hà Đông, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Thành ủy Hà Nội, “vẫn còn tình trạng một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song theo Thành ủy Hà Nội, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, xuất phát từ việc nhiều cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; việc thực hiện không kiên quyết, thiếu sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; thiếu chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp…
Để khắc phục những tồn tại trên, gắn với việc thực hiện nghị quyết T.Ư 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho con, hay bản thân theo những quy định như: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định pháp luật; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người).
Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp... cũng là những quy định được đặt ra đối với cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ cấp quản lý thành phố.
Ngoài quy định bắt buộc trên, Hà Nội khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc cưới.
Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Thành phố “cần làm tốt công tác tuyên truyền, động viên tuổi trẻ xung kích đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị. Biểu dương kịp thời những điển hình thực hiện tốt việc cưới văn minh, tiến bộ; phê phán những biểu hiện phô trương, tốn kém, trái với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng tổ chức cưới để trục lợi”.
Ban Tuyên giáo Thành ủy được giao chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động; gắn hoạt động này với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với việc bình xét thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị này, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Tương tự, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được phân công trách nhiệm hướng dẫn việc giám sát, kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ thị này.
Theo Bảo Cầm
Thanh Niên