Hà Nội cần thí điểm cách li F1, điều trị F0 tại nhà

TP - Công tác thu dung, cách li, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thí điểm phương án cách li F1, điều trị F0 tại nhà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tiêm vắc xin cho người dân Hà Nội ảnh: mạnh thắng

Ngày 2/11, làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tới đây, Hà Nội vẫn phải rất cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hằng ngày cả nước vẫn ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm mới qua công tác xét nghiệm giám sát. Chúng ta thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn”.

Phòng, chống dịch ở mức độ cao

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, nói rằng, rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TPHCM các tỉnh phía Nam, Hà Nội xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Bà Hà đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, nhất là trong trường hợp có số ca nhiễm lớn để làm cơ sở chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để ứng phó kịp thời.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; căn cứ vào thực tiễn, chỉ đạo của Trung ương để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện. Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách li y tế đối với người từ vùng dịch về…

“Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng, chứ không có nghĩa là tuyệt đối không có học sinh nhiễm bệnh. Đồng thời, hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, đặc biệt trong trường học và các cơ sở y tế, phải nâng lên một mức so với trước đây, phát hiện ca nhiễm sớm nhất, khoanh vùng, điều trị thật sớm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, nhưng đến nay thành phố Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch. Ông nói: “Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kĩ. Các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không chuyển từ cực này sang cực khác, lúc chặt quá, khi lại lỏng quá… Những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách li, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện, không thay đổi”.

Chuẩn bị trước cho kịch bản xấu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Hà Nội vẫn phải ngăn chặn từ vùng có dịch sang nơi đang còn sạch, giám sát dịch để phát hiện sớm, cách li nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, nhất là điều trị từ rất sớm. Cùng với kế hoạch đã chuẩn bị, thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị”. Ví dụ, công tác thu dung, cách li, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách li F1, điều trị F0 tại nhà, dù vất vả hơn nhưng để thành quy trình, tập huấn đầy đủ, chi tiết.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói rằng, dịch COVID-19 ở Thủ đô hiện vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng do nới lỏng các biện pháp phòng, chống và thêm các ca F0 về từ địa phương có dịch. Dự báo, thành phố tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lí chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp.

Về vắc xin, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vắc xin theo lịch tiêm của Hà Nội để tiêm đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em, trước hết ở những vùng bị dịch nặng; sẵn sàng các đội tiêm vắc xin chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu… Ông giao Bộ Y tế xem xét kĩ kiến nghị của thành phố, cũng như nhiều địa phương khác về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, trong đó cần tính đến đặc thù của những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, có những khu vực rất đông dân cư; xem xét các phác đồ điều trị làm cơ sở để y tế địa phương chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, thuốc men…

Trong công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, tâm sinh lí của các cháu học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của các cháu mà của gia đình, rộng ra là của lực lượng lao động trên địa bàn thành phố. Thành phố cần căn cứ vào thực tiễn, linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp, không cứng nhắc, máy móc đợi cho trẻ tiêm hết vắc xin hoặc sạch ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại”.