Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, nhưng không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) chưa lớn mạnh như tiềm năng. Bên cạnh những điểm quen thuộc như Ha Noi Creative city, Heritage Space, The Vuon, một số KGVHST khác thời gian qua thành nơi quy tụ, giao lưu kết nối nghệ sĩ và giới sáng tạo như Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, sân chơi trong thành phố Think Playgrounds, tổ hợp nghệ thuật Mắt trần Ensemble, hợp tác xã Vụn Art, xưởng kịch và nghệ thuật ATH.
Báo cáo của Hội đồng Anh do tác giả Uyên Ly trình bày tại tọa đàm “Hợp tác công-tư thúc đẩy sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội” chiều 26/11, chỉ ra bất cập “sớm nở tối tàn”. Từ 2014 đến 2019 bung nở khắp nơi, phát triển nhanh chóng, tuy nhiên con số khoảng 200 không gian sáng tạo trồi sụt mỗi nơi có khi chỉ có đời sống 3-5 năm. Một số vướng mắc khác về quy định pháp lý, khó khăn về giấy phép tổ chức sự kiện cũng khiến nhiều chủ không gian lúng túng.
Phần lớn không gian sáng tạo của các doanh nghiệp còn rất nhỏ. Họ tạo ra nơi gặp gỡ, giao lưu, hỗ trợ khởi nghiệp, lan truyền cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ và cộng đồng, thường không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu. Thách thức các nhà nghiên cứu chỉ ra là thiếu nguồn lực, mục tiêu phi lợi nhuận mâu thuẫn với mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, các không gian này thường chưa được kết nối, tạo nên sức mạnh lớn hơn.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì tọa đàm cho rằng, cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa đại diện của thành phố Hà Nội và chủ các không gian sáng tạo giúp những người chủ không đơn thương độc mã. “Hợp tác, thấu hiểu mới có thể cùng phát triển, đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo và là nơi đáng sống hơn”, ông Sơn nói.
PGS.TS. Nguyễn Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp Văn hóa VICAS đánh giá: Chiều sâu văn hóa khiến Hà Nội có thể trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực. Nhưng sau 4 năm, nếu không thực hiện 6 cam kết sáng kiến được UNESCO phê duyệt, Hà Nội phải ra khỏi mạng lưới thành phố sáng tạo.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT Hà Nội, một trong những thành viên xây dựng hồ sơ trình UNESCO- điểm lại một số sáng kiến cần thực hiện: Kiến tạo một trung tâm thiết kế sáng tạo, trọng tâm đặt tại bảo tàng Hà Nội kết nối với Hoàn Kiếm, Tây Hồ Tây, Đông Anh, Long Biên. Hà Nội cần xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo đã có, thực hiện chuỗi chương trình tài năng sáng tạo. Lễ hội văn hóa dân gian Hà Nội sắp tới là một trong những thử nghiệm cho lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm sau.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho rằng, khuôn viên bảo tàng có thể trở thành công viên sáng tạo. Triển lãm “Vẻ đẹp kiến thức” với sự tham gia của một số bảo tàng khoa học Italia được đánh giá cao, là ví dụ sinh động về việc mở ra không gian sáng tạo tại đây.
Theo TS. Lê Xuân Kiêu, Văn Miếu cũng dần trở thành trung tâm sáng tạo của Hà Nội và cả nước bởi di tích quốc gia đặc biệt này mang tính biểu tượng về trí tuệ của Việt Nam. “Ngày nay di sản phải sáng tạo mới có thể sống cùng thế giới được. Phải thay đổi quan niệm rằng di tích, di sản chỉ là nơi khép kín”, ông Kiêu nói. Sự thay đổi nhận thức khiến Văn Miếu vài năm gần đây sinh sắc hơn. Bên cạnh hoạt động do Văn Miếu tổ chức, Trung tâm tạo điều kiện cho một số sự kiện sáng tạo khác hiện diện ở di sản đặc biệt này.
Đại diện Ban quản lý (BQL) Phố cổ Hà Nội tranh thủ cơ hội mời chào các chủ không gian sáng tạo tư nhân hợp tác tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa. Mỗi năm đơn vị này làm hơn chục chương trình, hoạt động văn hóa nên khá “oải”, bởi họ là các nhà quản lý, nghiên cứu chứ không phải nghệ sĩ. Không gian nghệ thuật bích họa Phùng Hưng mở ra cùng với không gian di sản sẵn có ở phố cổ là địa chỉ lý tưởng cho các không gian sáng tạo, song BQL không đủ sức tự bơi.
Hà Nội được Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay ký quyết định đưa vào Mạng lưới thành phố sáng tạo mới, bên cạnh một loạt thành phố sáng tạo trước đó. Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế xây dựng để xây dựng hồ sơ, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua tạo ra tư duy và dự án đổi mới.