Nhưng năm nay không thế, mực nước sông trên đoạn qua Thái Lan đã xuống thấp đến mức không ai nhớ nổi đã từng thấy hay chưa, và tôm cá cũng lèo tèo.
Các nhà khoa học và người dân sống dọc dòng sông này đang lo sợ tác động của trận hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đang trở nên nghiêm trọng hơn do các đập trên thượng nguồn giữ nước lại, tạo nên những thay đổi không thể đảo ngược trên dòng sông cấp nước và phù sa cho một trong những vùng trồng lúa quan trọng nhất của Đông Nam Á.
Lời hứa của Trung Quốc rằng sẽ xả thêm nước để làm dịu bớt cuộc khủng hoảng này chỉ làm tăng lo ngại các chu kỳ tự nhiên của dòng sông – và những cộng đồng đã phụ thuộc vào nó trong nhiều thế hệ - bị phá vỡ vĩnh viễn.
“Giờ đây Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn nguồn nước”, ông Premrudee Deoruong, thành viên nhóm Laos Dam Investment Monitor, một tổ chức môi trường tại Lào, nói.
“Từ nay trở đi, mối quan ngại là dòng nước này sẽ bị kiểm soát bởi những người xây đập”, ông Deoruong nói.
Ở tỉnh Nakhon Phanom thuộc vùng đông bắc Thái Lan, nơi dòng sông Mekong tạo nên biên giới tự nhiên với Lào, mực nước của sông trong tuần này đã xuống dưới 1,5m. Mực nước trung bình trước đây trên đoạn sông này là 8m.
“Điều tôi thấy năm nay chưa từng xuất hiện trước đây”, ông Sun Prompakdee, một ngư dân sống ở làng Ban Nong Chan suốt gần 60 năm, nói. “Giờ đây cũng tôi chỉ bắt được những con cá nhỏ, không còn con cá lớn nào khi nước thấp thế này”, ông nói.
Mực nước sụt giảm nghiêm trọng một phần do hạn hán, khi lượng mưa trong 60 ngày qua thấp hơn 40% so với mức bình thường của thời điểm này trong các năm.
Nhưng nguyên nhân còn do các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn nước lại. Đập thủy điện Cảnh Hồng thông báo vào đầu tháng 7 này rằng họ giảm hơn một nửa lượng xả nước để “bảo dưỡng đập” trên phần thượng nguồn sông Mekong mà họ gọi là Lan Thương.
Đập Xayaburi, do một công ty Thái Lan xây dựng ở Lào để cung cấp điện cho Thái Lan, bắt đầu chạy thử từ ngày 15/7 vừa qua.
“Đó là dấu hiệu cho những khó khăn của việc bắt đầu và vận hành các dự án lớn trong một hệ thống dễ thay đổi vì tính thời vụ và vào giai đoạn chịu tác động của biến đổi khí hậu”, nhà nghiên cứu Brian Eyler, tác giả cuốn sách “Những ngày cuối cùng của Mekong hùng vĩ”, đánh giá.
Đó chính xác là cơn ác mộng đối với những nước hạ nguồn gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nơi hàng chục triệu dân vẫn đang sống phụ thuộc vào dòng sông đã tạo nên những vương quốc cổ đại của khu vực.
Đối mặt với tình trạng thiếu nước ở các thành phố và trên cánh đồng, Thái Lan khuyến cáo nông dân ngừng trồng thêm lúa.
Reuters dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này đã mời Đại sứ Trung Quốc đến để “thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Mekong liên quan đến biến đổi khí hậu và hạn hán”.
Lời hứa của Trung Quốc
Reuters nói rằng Đại sứ quán Trung Quốc không phản hồi đề nghị bình luận tình trạng hạn hán. Chỉ 2 tuần trước cuộc khủng hoảng, Đại sứ quán Trung Quốc ra một tuyên bố hứa rằng Trung Quốc quan tâm đến dòng sông mà họ nói là “thể hiện mối gắn kết tự nhiên của sự tương hỗ”.
Tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Tôi biết rằng Trung Quốc đang tiếp xúc với các nước tiểu vùng sông Mekong về vấn đề hợp tác trên sông Mekong”.
Thái Lan cũng đề nghị Lào mở đập ở thủy điện Xayaburi.
Cả Trung Quốc và Lào đều đồng ý xả thêm nước để giải quyết tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hiện này, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết. Từ lúc đó, mực nước ở Nakhon Phanom đã bắt đầu tăng.
Nhưng các chuyên gia môi trường cho rằng tình trạng thiếu nước đột ngột như thấy này là dấu hiệu cảnh báo cho tương lai của Mekong cũng như hệ động thực vật phụ thuộc vào nó, trong đó có loài cá da trơn khổng lồ đang bị đe dọa.
11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong với công suất 21.300 MW điện khiến các nước láng giềng ở hạ nguồn “méo mặt”.
8 con đập khác cũng đang được lên kế hoạch xây ở lưu vực sông, bao gồm dòng chính và các nhánh phụ, có thể nâng tổng công suất điện lên 6.000 MW, theo đánh giá của Trung tâm Stimson trụ sở tại Washington.
Các đập ở Lào có quy mô nhỏ hơn nhiều và hiện tại sản xuất chưa đến 5.700 MW, nhưng 63 con đập đang được lên kế hoạch và những đề xuất khác nhằm xây thêm 300 đập nước để sản lượng điện ở dòng chính và các dòng phụ ở Lào có thể vượt qua Trung Quốc.
“Họ sử dụng sông chỉ vì một mục đích: thủy điện. Và những người sử dụng sông khác bị gạt ra rìa”, Pianporn Deetes, chuyên gia của nhóm Các dòng sông quốc tế, nói.
Trung Quốc luôn nói rằng các đập thủy điện có thể giúp điều tiết lượng nước trên sông Mekong, giúp cấp thêm nước cho mùa khô và dự trữ nước trong mùa mưa.
Nhưng những cuộc đời phụ thuộc vào dòng sông này từ xưa đã biết thích nghi với lũ trong mùa mưa, khi dòng nước mang theo phù sa và giúp cá di cư, còn mùa khô sẽ giúp chim đẻ trứng trên những nền đất nổi lên.
Can thiệp vào dòng chảy của sông bằng cách xả nước hay giữ nước trên các đập thủy điện có thể gây ra những tác động không thể lường trước đối với cuộc sống động thực vật tự nhiên và con người.
Các ngư dân ở Nakhon Phanom nay phải chuyển sang dùng lưới mắt nhỏ hơn để bắt cá bé. Họ đi đánh bắt ít hơn và kiếm được ít hơn.
“Tôi chỉ ước thấy chu kỳ tự nhiên như ngày xưa, để cá có thể đẻ trứng như chúng vẫn làm”, ngư dân Chai Haikamsri, 47 tuổi, nói.