Bốn hạn chế trong hợp tác Mekong-Lan Thương

Bốn hạn chế trong hợp tác Mekong-Lan Thương
TPO - Hợp tác Mekong-Lan Thương hiện tồn tại 4 hạn chế chính cần khắc phục, TS Nguyễn Quốc Trường (Bộ KH&ĐT) nêu ra tại hội thảo “Hợp tác Mekong-Lan Thương và các cơ hội hợp tác khu vực” diễn ra ngày 18/3 tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Trường, Trưởng Ban Chiến lược phát triển dịch vụ, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng, kết quả hợp tác Mekong-Lan Thương chưa xứng với tiềm năng; danh mục dự án nhiều, nhưng thực hiện còn ít.

Ngoài ra, tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tài trợ của Trung Quốc, các nước ASEAN chưa chủ động. Trong khi đó, tính kết nối quốc gia, địa phương còn yếu. Đến nay vẫn thiếu các dự án trọng điểm mang đặc trưng riêng của hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC).

Theo TS Trường, MLC hiện có 132 dự án thu hoạch sớm và có 214 dự án được hỗ trợ bởi Quỹ đặc biệt LMC năm 2017.

Ông Trường nêu ra 5 kiến nghị, bao gồm ưu tiên phát triển một số dự án hạ tầng lớn như: xây dựng quy hoạch thuỷ điện Mekong; kết nối các hành lang kinh tré với “hai hành lang, một vành đai”, Tiểu vùng Mekong mở rộng, sáng kiến “Vành đai-Con đường”, hướng vào tuyến vận tải hướng Nam; làm mới các khu hợp tác kinh tế qua biên giới; nghiên cứu phát triển cảng tự do thương mại quốc tế...

Bốn kiến nghị khác gồm: giải quyết các vướng mắc thúc đẩy hợp tác qua biên giới (hạ tầng, hải quan...); đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư (nghiên cứu áp dụng cơ chế “hợp tác với bên thứ 3”); tăng cường trao đổi thông tin, kết nối các quốc gia và địa phương, nhất là các tỉnh biên giới; tăng cường thu hút khu vực tư nhân tham gia các dự án hợp tác, nhất là các dự án phát triển hạ tầng.

Bốn hạn chế trong hợp tác Mekong-Lan Thương ảnh 1

Các đại biểu đang trao đổi ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thái An.

Tại hội thảo, ông Liu Qing đến từ Trung tâm GCMS Trung Quốc cho rằng, về ngắn hạn, dựa trên nền tảng kế hoạch hành động LMC 5 năm (2018-2022), các nước Mekong nên thành lập kế hoạch tổng thể cho vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương. Vào năm 2022, các nước nên thực hiện thông quan “một cửa”, ông Liu đề xuất.

Hội thảo là một trong những sáng kiến của Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi và kết nối giữa các đơn vị trực tiếp phụ trách hợp tác Mekong-Lan Thương cũng như chuyên gia trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác.

Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm Tuần lễ Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ hai (18-24/3/2019), đánh dấu 3 năm hình thành và phát triển của hợp tác giữa 6 nước thành viên - Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.