Hạ lãi suất vay xuống 6%/năm: 'Ông lớn' kéo thị trường cùng giảm?

TPO - Bắt đầu từ hôm nay 15/10, lãi suất áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn từ nay đến cuối năm cho doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên cùng doanh nghiệp khởi nghiệp của Vietcombank, sẽ được hạ xuống chỉ còn 6%/năm (đến hết năm). “Ông lớn” này cũng khẳng định “một tay vỗ chẳng nên kêu” và hy vọng các ngân hàng lớn cùng vào cuộc !
Từ hôm nay 15/10, các khoản vay ngắn hạn cho 5 lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp của Vietcombank còn 6%năm

“Ông lớn” Vietcombank bất ngờ hạ lãi vay

Ngày 14/10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điện thoại mời báo chí tới dự họp ngắn gấp với lời hứa có tin hay. Ngay khi bước chân vào phòng họp (rất hiếm hoi), ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank xuất hiện và thông báo vắn tắt: Vietcombank sẽ tiên phong hạ lãi suất vay ngắn hạn theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước  về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

“Cụ thể từ 15/10,  Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp từ nay đến hết năm 2016. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. Các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm”, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Trả lời Tiền Phong về gói cho vay với doanh nghiệp khởi nghiệp liệu có điểm khác biệt nào ví như về cơ chế, điều kiện vì đây là doanh nghiệp thường rất có khó khăn về vốn hay tài sản đảm bảo.., lãnh đạo Vietcombank thừa nhận: doanh nghiệp khởi nghiệp rất mới, bảo mở toang ra thì… nguy hiểm. Sẽ phải có quy định về ngành nghề kinh doanh thì phải có cơ chế, chính sách để đảm bảo chất lượng hoạt động..” Việc hạ lãi suất vay lần này dự kiến sẽ khiến thu nhập từ lãi của ngân hàng giảm 100 tỷ đồng nhưng mục tiêu lợi nhuận vẫn giữ được bằng cách tiết giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả lao động”, chủ tịch Vietcombank  khẳng định.

Trong một động thái cùng bất ngờ, cuối chiều cùng ngày, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt ( LienVietPostBank) đã trở thành ngân hàng đầu tiên  trong khối cổ phần tuyên bố hạ lãi suất cho vay từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng,Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, việc LienVietPostBank luôn tiên phong giảm lãi suất so với các ngân hàng cổ phần  khác trước hết căn cứ vào nguồn lực, nguồn vốn rẻ dồi dào của LienVietPostBank, chiến lược thu hút khách hàng, tín hiệu thị trường….

Doanh nghiệp khoẻ ngân hàng mới khoẻ

Thực lòng, hơn 1 năm nay, thông tin lãi suất không còn là “điểm nóng số 1”, bởi nếu so sánh với giai đoạn nóng 2011-2012- thì mặt bằng lãi suất vay hiện chỉ còn đúng bằng một nửa. Thậm chí, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực vì lãi suất cho vay đến cuối năm 2015 (số liệu của WB): Indonesia 12,7%, Malaysia 4,6%, Philippines 5,6%, Singapore 5,35%, Ấn Độ 10,3%, Thái Lan 6,6%, Việt Nam phổ biến 6-11% (bình quân khoảng 7-9%), thậm chí nếu là doanh nghiệp có hồ sơ tốt sẽ được vay lãi suất 4-5%/năm.

Nếu “ông lớn” hạ nhưng các ngân hàng khác không chịu hạ thì sao (nhiều ngân hàng nhỏ đang chạy vốn lo trung dài hạn bằng tăng mạnh các kỳ hạn tiền gửi dài trên 13 tháng đã lên tới 7,8% có ngân hàng còn lên đến trên 8%- PV)? Ông Nghiêm Xuân Thành phân tích: hiện, thị phần của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tới hơn 53. Chỉ cần 4 ngân hàng  lớn cùng đồng thuận giảm thì thị trường sẽ không vấn đề gì.. “Hạ lãi suất thì doanh nghiệp mới khoẻ và ngân hàng cũng khoẻ theo””, ông Thành khẳng định và lưu ý mặt bằng lãi suất năm 2017 dự báo sẽ không nhiều xáo trộn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank

3 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy dư thừa thanh khoản đang ở mức cao. Mặc dù Chính phủ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch phát hành tăng thêm 31.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng dự báo mức điều chỉnh này không gây nhiều áp lực lên lãi suất. Về lạm phát, Tổng cục Thống kê công bố lạm phát tháng 9 vẫn giữ ở mức tương đối thấp, tăng 3,14% so với cuối năm 2015. Điều này giúp các ngân hàng lớn “yên tâm” và quyết định giảm lãi suất huy động.

“Sở dĩ Vietcombank mạnh dạn hạ lãi suất vay vì ngân hàng luôn có nguồn vốn huy động tốt . Hiện ở Vietcombank nguồn vốn khá là ổn, có một chút dư địa. Chúng tôi có định hướng về chiến lược nguồn vốn, đầu vào thấp nhất, đặc biệt nguồn huy động năm nay rất tốt, thậm chí tăng mạnh từ khu vực dân cư do uy tín của ngân hàng tốt”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.