GS.TS Trần Hồng Thái: 'Chúng tôi luôn dành sự ưu tiên đầu tư vào con người'

TPO - GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn trao đổi với Tiền Phong nhân dịp 75 năm thành lập ngành.

Thưa GS.TS Trần Hồng Thái, chặng đường lịch sử 75 năm được xác định như thế nào đối với một ngành nghề hết sức đặc thù như KTTV?

GS.TS Trần Hồng Thái: Từ khi người Pháp đặt nền móng ngành khí tượng tại Việt Nam đầu thế kỷ XX, lĩnh vực khí tượng đã có những đóng góp to lớn trong xác định múi giờ toàn cầu, dự báo khí tượng phục vụ các tàu biển quốc tế tham gia hàng hải trên vùng biển Việt Nam và đặc biệt là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1945 đến nay, ngành KTTV Việt Nam đã có nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, vai trò và vị trí của Ngành đối với xã hội, cộng đồng không hề thay đổi. Bản chất, đặc điểm chính của Ngành KTTV luôn được xem như một trong những dịch vụ công thiết yếu, phục vụ công tác phòng chống thiên tai (PCTT), phát triển kinh tế - xã hội. Từ những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ người dân trong sinh hoạt thường nhật, đến những bản tin dự báo chuyên dùng cho các ngành kinh tế, sản xuất, như nông nghiệp, công nghiệp hay vận tải hàng không. KTTV và các sản phẩm dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững và ổn định xã hội của đất nước. Thực tế đã chứng minh, các bản tin dự báo có độ tin cậy cao sẽ giúp cho xã hội tránh, giảm thiểu được những thiệt hại nặng nề do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra, trong khi việc dự báo có sai số lớn hoặc không kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Chính vì vậy, kết quả của hoạt động KTTV, hay nói cách khác, thông tin KTTV được xem như một trong các công cụ đặc biệt quan trọng làm đầu vào, hỗ trợ các chính sách quyết định phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia và sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực và địa phương.

Với một ngành mang tính khoa học ứng dụng với đời sống rất cao như KTTV, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất trong tiến trình 75 năm đã qua?

Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của gió mùa, trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi là ổ bão lớn nhất trong 5 ổ bão trên thế giới. Nhiều năm có tới hơn 10 cơn bão đổ bộ vào nước ta, khoảng 80 - 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Cùng với bão, các loại thiên tai nguy hiểm khác cũng thường xuyên xảy ra ở nước ta như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, triều cường… với tần suất, mức độ nguy hiểm khốc liệt, khó lường hơn trong những năm gần đây, gây thiệt hại lớn tới tính mạng, tài sản của xã hội, người dân, tác động trực tiếp tới sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam thời gian qua có những biến đổi rõ rệt, khiến thiên tai có cường độ và diễn biến khó lường, xảy ra với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và khốc liệt hơn. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, thông tin KTTV có một vai trò tối quan trọng dù ở bất cứ quy mô nào. Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp, từ ban hành chủ trương, chính sách, cơ chế đến thực thi các biện pháp công trình; trong đó, các hoạt động KTTV có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khi mà mọi giải pháp ứng phó với BĐKH phần lớn liên quan trực tiếp đến các điều kiện KTTV.

Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã khẳng định vai trò then chốt của các hoạt động KTTV trong các giải pháp ứng phó với BĐKH. Theo quy định của Luật KTTV, vai trò của ngành KTTV trong ứng phó với BĐKH là giám sát BĐKH; toàn bộ các nội dung giám sát đều thuộc trách nhiệm trực tiếp của ngành KTTV thông qua hoạt động của mạng lưới trạm KTTV quốc gia (bao gồm cả hoạt động của trạm giám sát BĐKH là thành phần thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia).

 Xin ông cho biết nền tảng khoa học ứng dụng của ngành KTTV được bắt đầu từ khi nào? Việc tiếp quản, kế thừa và đào tạo cho lĩnh vực khoa học đặc thù này trải dài từ những năm mới thành lập cho đến nay ra sao?

Ngay từ khi tiếp quản và kế thừa hoạt động KTTV từ người Pháp, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến hoạt động KTTV phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dù trong muôn vàn khó khăn gian khổ của Đất nước, những cán bộ nòng cốt của ngành đã lên chiến khu Việt Bắc tham gia chiến đấu, làm công tác bình dân học vụ, phục vụ kháng chiến, nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học, xây dựng thuật ngữ KTTV bằng tiếng Việt, chuẩn bị tài liệu huấn luyện chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tương lai của ngành KTTV sau này. Từ đầu năm 1955, các lớp sơ cấp khí tượng, thủy văn đã liên tục được tổ chức và tiếp sau đó là các lớp trung học khí tượng, thủy văn, lớp quan trắc viên thám không đầu tiên đã được tổ chức. Sau này hệ thống các Trường đào tạo của ngành đã được thành lập và đào tạo nguồn cán bộ từ sơ cấp, đến trung cấp sau là chuyên tu, cao đẳng và đại học. Cuối thế kỷ XX, phần lớn cán bộ KTTV có trình độ đại học trở lên được đào tạo ở nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô cũ, các nước XHCN Đông Âu…) thông qua các chương trình khuyến học của Nhà nước.

Hiện nay ở nước ta có 5 cơ sở đào tạo nhân lực KTTV tập trung, chuyên ngành và có truyền thống nhiều năm, 3 tại Hà Nội, 2 tại TP.HCM. Nguồn nhân lực của ngành hiện có khoảng gần 3.000 công chức, viên chức và người lao động, trong đó số nhân lực có trình độ đại học trở lên khoảng gần 60% (Tiến sỹ: 0,85%, Thạc sỹ: 9,47%; Đại học: 45,4%). Ngành KTTV đã chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành trang thiết bị, công nghệ mới thông qua nhiều hình thức như: Các chương trình hợp tác quốc tế, các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, sự chủ động của các đơn vị, cá nhân … do đó chất lượng nguồn nhân lực của ngành đã được nâng lên, trong đó nhiều cán bộ trong ngành được cử đi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand.v.v... qua đó đã tiếp cận được nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại của thế giới áp dụng vào tác nghiệp tại các đơn vị của ngành, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm KTTV.

Cho đến nay hầu hết các thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong lĩnh vực truyền tin KTTV: Hệ thống mạng LAN, Internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS,... kết nối các trạm tự động với Trung tâm. Công nghệ tính toán cũng từng bước được phát triển như hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini...

Công nghệ dự báo những ngày đầu chỉ là việc tính toán thống kê, đúc kết bằng kinh nghiệm của dự báo viên; thời điểm năm 1998 khi Internet được hoạt động ở Việt Nam dự báo số trị đã được nghiên cứu và ứng dụng đầu tiên những năm 2000 thì cho đến hôm nay là những mô hình dự báo được chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 16Tflops. Hàng ngày, hệ thống dự báo thời tiết số trị cung cấp từ 2 đến 4 bản tin dự báo cho nhiều ngày tới. Đặc biệt, với công nghệ dự báo tổ hợp, các bản tin dự báo xác suất được đưa vào nghiệp vụ phục vụ hiệu quả cộng đồng với các bản tin dự báo thời tiết cực ngắn, dự báo mưa lớn trong những tình huống thời tiết nguy hiểm được các dự báo viên Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nghiên cứu phát triển… Trong công nghệ dự báo thủy văn, từ số liệu KTTV hàng ngày được các quan trắc viên đo đạc còn có hệ thống quan trắc tự động về mưa và các dữ liệu mặt đất được mã hóa và chuyển về Trung tâm Thông tin dữ liệu KTTV được giải mã tự động phục vụ cho công tác dự báo nghiệp vụ ở Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các đơn vị dự báo.

Trong thời đại 4.0, để đưa ra những sản phẩm dự báo tin cậy và kịp thời, các thiết bị máy móc đã được nâng cấp với công suất cao hơn, tự động hóa nhiều hơn, và vấn đề mấu chốt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cán bộ KTTV sẽ làm việc với hàng trăm nguồn dữ liệu thông tin khác nhau từ các trạm quan trắc, từ vệ tinh, từ radar, từ các nguồn chia sẻ của bạn bè quốc tế, sẽ cần giải bài toán xử lý số liệu lớn, phải nắm vững và làm chủ cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các phương pháp đồng hóa xử lý số liệu, khai thác sử dụng số liệu (data mining), và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong từng khâu của quy trình tác nghiệp.

Và do vậy, chúng tôi luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư vào con người, liên tục ưu tiên tuyển dụng cán bộ giỏi, có năng lực đồng thời tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao, trao đổi kiến thức và công nghệ với các đối tác đào tạo.

Có thể nhìn nhận được những thành quả vô hình nhưng vô cùng hữu ích của ngành trong 75 năm qua như thế nào, thưa ông?

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của Bộ TNMT, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự chung tay hợp sức của các tổ chức đoàn thể, sự đoàn kết yêu ngành yêu nghề của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV trên cả nước ngày đêm thầm lặng quan trắc, dự báo nhằm nâng cao chất lượng mỗi một bản tin KTTV, để mỗi một sản phẩm KTTV là những thông tin hữu ích phục vụ cho đời sống dân sinh hằng ngày và những thông tin KTTV trong quá khứ, hiện tại và tương lai là những nền tảng quan trọng cho các ngành kinh tế trọng điểm phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước. Nỗ lực của ngành đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như năm 2018, cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành KTTV đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017.

Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Đặc biệt nhờ sự chủ động dự báo, cảnh báo sớm về hạn hán xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động điều chỉnh mùa vụ nên ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn trong vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2019 -2020 chỉ bằng 9,6% (gần 39.000 ha) so với diện tích bị ảnh hưởng của vụ Mùa – vụ Đông Xuân năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn năm 2015-2016 là 405.000ha). 

Những thông số nêu trên đã khẳng định những sản phẩm vô hình đã được ứng dụng hữu ích phục vụ cho chính đời sống KT-XH của Đất nước. Với điều kiện khí hậu thủy văn đặc thù như của Việt Nam bất cứ hiện tượng KTTV nguy hiểm nào ngành KTTV cảnh báo tốt mà vẫn còn những thiệt hại cho người dân, cho xã hội thì chúng tôi vẫn cảm thấy toàn ngành phải nỗ lực không ngừng bởi trách nhiệm với xã hội và nhân dân đang đặt ra những trăn trở cho ngành hiện tại và tương lai.   

Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Trần Hồng Thái!