Góc tối phía sau sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc

Vào một buổi chiều mùa đông tại làng Mi, tỉnh Quảng Đông, một cậu bé 4 tuổi trong bộ đồ siêu nhân với gò má phúng phính đang xem tivi. Cạnh đó, ông nội của cậu ngủ gà gật sau bữa trưa muộn.

Một giờ sau, ông tỉnh dậy, hoảng hốt nhận ra cháu trai của mình, Liu Si Rui, đã biến mất. Ông vội vàng chạy đi tìm kiếm trên các con đường quanh làng, gõ cửa hỏi hàng xóm, nhưng vô vọng.

Hơn 3 năm sau, cậu bé vẫn biệt tăm.

Những vụ việc kiểu như của bé Liu vẫn đang diễn hàng ngày ở Trung Quốc. Cha mẹ cậu bé là hai trong số hơn 250 triệu người di chuyển lên thành phố tìm việc làm trong thập kỷ gần đây - một yếu tố góp phần cho sự thịnh vượng của Trung Quốc. Cha của Liu là một tài xế và mẹ là công nhân nhà máy, họ sống cách nhà hơn 320 km, tại Thâm Quyến, một thành phố đông đúc 10 triệu dân và vô số khu công nghiệp rộng lớn.

Cậu bé Liu là một trong số những đứa trẻ bị “bỏ lại”, được nuôi dưỡng bởi ông bà hoặc người thân trong gia đình tại thôn quê. Một nghiên cứu chính thức gần đây của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc ước tính rằng có khoảng 61 triệu trẻ em không được gặp cha mẹ của chúng trong ít nhất ba tháng.

Bé Liu Si Rui, 4 tuổi, bị bắt cóc năm 2012. Bố mẹ bé đến nay vẫn đang tìm con chưa thấy. Ảnh: CS Monitor.

Một lý do khiến rất nhiều người phải để con lại cho người khác nuôi là chính sách hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú, rào cản đối với các công nhân nhập cư muốn đem theo con vào thành phố. Chính sách một con, hệ tư tưởng nam quyền, sự thiếu giám sát của cha mẹ là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị tấn công tình dục, bắt cóc và buôn bán. Trong số các nạn nhân, con của những người lao động di cư chiếm số đông.

200.000 vụ bắt cóc mỗi năm

Từ những năm 1980, nạn buôn bán trẻ em đã tăng vọt. Giới chức Trung Quốc ước tính rằng có khoảng 10.000 vụ mỗi năm. Tuy nhiên tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Bắc Kinh Xunzi Zhijia cho rằng con số này lên đến 200.000.

Số phận của trẻ bị bắt thường phụ thuộc vào độ tuổi của chúng lúc gặp nạn. Theo tổ chức nhân đạo Xunzi Zhijia, với những trẻ dưới 5 tuổi, các em thường bị bán cho những cặp vợ chồng không thể có con, hoặc được bán cho những gia đình muốn có con trai để nối dõi tông đường. Theo một báo cáo của BBC, những bé trai được bán với giá khoảng 16.000 đôla Mỹ, gấp đôi so với những bé gái. Những đứa bé thường bị bắt cóc từ khi còn rất nhỏ, khi chúng chưa có ký ức rõ ràng về gia đình và người thân.

Những đứa trẻ lớn hơn sẽ bị ép buộc lao động, mại dâm hoặc cưỡng hôn. Một số đường dây thậm chí còn buộc chúng phải đi ăn xin hoặc kiếm tiền từ việc bán nội tạng của các em.

Một trong các nguyên nhân khiến bắt cóc gia tăng là do chính sách một con cứng nhắc. Khi đó những bé gái bị bắt cóc, ép buộc theo con đường mại dâm, những bé trai thì bị bán làm con nuôi, các nhà phân tích cho biết. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi chính sách số con linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là do chính sách hộ khẩu ở Trung Quốc, khiến công nhân nhập cư khó mà đem theo con cái đến những thành phố mà họ sống và lao động. Hệ thống hộ khẩu được áp dụng từ những năm 1950 như một cách để kiểm soát dân số. Những dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế chỉ được áp dụng nếu những đứa trẻ còn ở nơi chúng được sinh ra. Nếu như đến nơi khác, chúng sẽ bị từ chối những quyền lợi đó.

Hộ khẩu

Liu Junming, cha của đứa bé bị mất tích nói trên, nói rằng anh và vợ đã để con ở lại quê do chi phí sinh hoạt và học hành ở thành phố quá cao. Do hai vợ chồng không có hộ khẩu tại Thâm Quyến, họ không thể cho con theo học một trường công lập có uy tín tại đây. Họ chỉ có thể cho con theo học ở trường tư, học phí cao.

“Nếu như không bị giới hạn bởi hộ khẩu, chắc chắn chúng tôi sẽ mang con theo cùng. Còn lên thành phố mà phải học trường tư, chúng tôi không kham nổi, chúng tôi chỉ là công nhân”, anh Liu cho biết.

Trước đây, Liu thường về thăm con mỗi tháng, nhưng giờ đây, anh dành thời gian để tìm kiếm con trai. Trong ba năm qua, anh đã đi khắp đất nước phát tờ rơi. Những tờ rơi với hình ảnh một bé trai đang mỉm cười với chi tiết của sự việc cùng dòng chữ “Chúng tôi rất đau buồn”. Cũng như những bậc cha mẹ mất con khác, mục tiêu cuộc đời của Liu bây giờ là tìm lại được con.

Gia đình họ Trần ở tỉnh Hà Bắc này là một trong hàng trăm gia đình đăng ký tìm con ở trung tâm nhân đạo Xunzi Zhijia. Ảnh: CS Monitor.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để ngăn chặn hoạt động buôn người bằng cách thiếp lập các đường dây nóng để người dân liên lạc và tăng mức xử phạt đối với người phạm tội, nhưng những vụ bắt cóc trẻ em vẫn gia tăng. Trong năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Trung Quốc vào vị trí gần cuối trong danh sách thứ hạng các nước về cuộc chiến chống buôn người . Danh sách mới của năm 2015 được công bố cuối tháng 7 vừa qua không có sự thay đổi.

Nhà chức trách cũng nỗ lực nhưng không có kết quả, nên các bậc cha mẹ phải dành rất nhiều thời gian để tự tìm kiếm con cái họ. Họ đã cùng nhau để tạo ra các chiến dịch trực tuyến và các tổ chức tình nguyện như Xunzi Zhijia.

Trụ sở của Xunzi Zhijia nằm tại ngoại ô Bắc Kinh, bao quanh là những cánh đồng lúa mì héo úa. Tổ chức này có 700 thành viên. Tại đây, hình ảnh của những đứa trẻ bị mất tích được dán đầy tường.

Vô vọng

Xiao Chaohua, người thành lập tổ chức, cũng là người duy nhất ở lại văn phòng những lúc không đi tìm con trai. Chậm rãi đi qua khoảng sân ảm đạm, ông sang văn phòng nơi có chiếc giường đôi cũ kỹ.

Chống chọi lại cái rét của mùa đông, ông chỉ có một bếp lò than ở giữa căn phòng. Trên tường dán đầy ảnh của những đứa trẻ bị bắt cóc. Nước mắt lấp lánh trong khóe mi khi Xiao kể lại chi tiết vụ con trai 5 tuổi của ông, tên là Xiao Song, bị bắt cóc năm 2007.

Hầu hết các bậc cha mẹ là thành viên của tổ chức Xunzi Zhijia là người lao động có thu nhập thấp từ tỉnh Hà Nam và Quảng Đông. Ông Xiao nói rằng tổ chức này là hy vọng duy nhất của họ. Ông tin rằng cảnh sát có ít động lực để giải quyết các vụ bắt cóc trẻ em.

"Họ thực sự rất năng nổ khi điều tra những vụ việc cờ bạc và mại dâm, vì nó đem lại nguồn thu nhập cho họ," ông nói. "Nhưng để tìm kiếm một đứa trẻ thì họ phải tốn tiền để điều tra”.

Xiao đã dành tất cả mọi ngày trong gần một thập kỷ qua để tìm kiếm con trai mặc dù cơ hội tìm được là rất mong manh. Trong bốn năm gần đây, nhóm của ông đã nỗ lực theo dấu khoảng 2.700 đứa trẻ mất tích, nhưng chỉ có ba đứa được tìm thấy.

Giữa tháng 7/ 2014, Trung Quốc đã thực hiện cải cách một phần, xoá bỏ sự khác biệt về hộ khẩu giữa thành phố và nông thôn, cho phép người có hộ khẩu nông thôn tiếp cận dịch vụ xã hội, mua nhà ở thành phố. Nhưng những cải cách này không áp dụng đối với Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến hay các thành phố lớn khác. Điều đó có nghĩa là công nhân được quyền đến đô thị lớn kiếm việc làm, nhưng không có đủ các quyền như người ở thành phố.

Theo Theo VnExpress