Sát hại cả mẹ đẻ
Bị mẹ mắng, Tuấn Anh (SN 1993, ở Hà Nội) không kiềm chế, hành hung mẹ đẻ đến tử vong. Viện kiểm sát sau đó xác định Tuấn Anh nghiện game bạo lực tới mức hoang tưởng. Kết quả giám định thể hiện thanh niên này bị rối loạn phân biệt cảm xúc. Phía truy tố đề nghị tử hình nhưng bố bị cáo xin giảm nhẹ vì “nạn nhân lúc sinh thời thương yêu đứa con này nhất”. Tòa án xác định hành vi của Tuấn Anh là dã man và hết sức vô nhân tính nên phạt án chung thân.
Mới đây, ngày 7/6, Đào Ngọc Hoàng (học sinh lớp 11, trường THPT Quỳnh Lưu 4, ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bắt cóc cháu Đ. (5 tuổi) đưa đến một căn nhà hoang giữa rừng, bịt miệng, trói 2 tay. Cháu Đ. tử vong do ngạt thở. Điều tra ban đầu xác định, Hoàng nghiện các loại game bạo lực có nội dung bắt cóc, tống tiền, trinh thám. Cơ quan điều tra vừa khởi tố Hoàng về tội “Giết người”.
Không tiền chơi điện tử, nhiều game thủ sẵn sàng đi cướp nhằm thỏa mãn đam mê. Tháng 11/2019, Trần Thanh Vũ (SN 2001) bị Công an Quảng Nam bắt giữ vì xin đi nhờ xe rồi rút dao đâm từ phía sau nạn nhân, cướp tài sản lấy tiền chơi game. Tháng 3 vừa qua, Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) xử lý C. (SN 2003) vì lấy 5 triệu đồng nạp thẻ chơi game nhưng sợ bị gia đình biết nên báo tin giả bị cướp.
Anh N.M.Tuấn (ở Đống Đa, Hà Nội) kể, dịp nghỉ dịch COVID-19 vừa qua, em trai anh phát hiện thường xuyên mất tiền trong ví. Hai vợ chồng bí mật đặt camera giám sát, họ tá hỏa phát hiện kẻ trộm chính là cháu mình, con anh trai đang học lớp 7. Truy hỏi mới biết cu cậu từng nhiều lần “rút lõi” tiền hàng của bố để nạp vào game điện tử với tài khoản lên tới gần 90 triệu đồng.
“Giờ vợ chồng anh trai tôi đang theo sát để giúp cháu cai nghiện game. Cu cậu bị bắt tham gia các hoạt động thể thao, tối tối đạp xe cùng bố mấy vòng hồ...”, anh Tuấn chia sẻ.
Game thủ phạm tội đang trẻ hóa
Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Phó đội trưởng Cảnh sát Hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận định, các đối tượng nghiện game phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều bạn trẻ sau khi đỗ đại học, cao đẳng bắt đầu cuộc sống xa nhà và có nhiều thời gian rảnh rỗi nên rủ nhau lao vào chơi game. Việc này dẫn đến tình trạng sa sút học hành, nghiện game và thậm chí để có tiền chơi, nạp thẻ, mua đồ trong thế giới ảo, nhiều đối tượng sẵn sàng phạm tội.
Thiếu tá Nguyễn Việt Anh cho biết, đơn vị đã thụ lý và làm rõ nhiều vụ án liên quan tới đối tượng nghiện game. Đa số các đối tượng này dành phần lớn thời gian trong ngày chơi game, thậm chí “cày” xuyên đêm để đạt được trình độ, vị trí cao trong thế giới ảo. Một số thừa nhận sau thời gian dài cày game, vì thiếu tiền nên chủ động một mình hoặc rủ bạn cùng chơi đi trộm cắp, cướp giật tài sản và thường lựa chọn trộm xe máy, máy tính, đồ cá nhân tại các khu ở trọ, quán game…
“Một số đối tượng manh động mang theo dao bấm, hung khí để chống trả nếu bị phát giác. Những đối tượng này thường hoạt động lúc nửa đêm và rạng sáng, thời điểm đường phố vắng người. Các đối tượng nghiện game thường suy nghĩ đơn giản, hết tiền chơi game sẽ đi cướp, trộm cắp để có tiền sử dụng, nạp thẻ”, thiếu tá Việt Anh nói.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, người nghiện game có thể quên đi mọi thứ trong cuộc sống thực, có xu hướng cáu kỉnh, chán nản, thậm chí hung hăng, phạm tội. “Người chơi bị thôi thúc để cạnh tranh giành nhiều chiến thắng hơn, cảm giác phấn khích khi thể hiện tốt và cảm giác tan nát khi mất tất cả chỉ trong thời gian rất ngắn. Như trò PUBG (nội dung bạo lực) chiếm vị trí hàng đầu hiện nay có thể khiến tim đập nhanh, run tay. Bản chất cạnh tranh của nhiều game trực tuyến có thể khiến người chơi dễ tức giận và khi thua, nhiều người đập bàn phím, màn hình hoặc trút giận lên người xung quanh”.
Coi chừng “chơi game vẫn học giỏi”
“Chơi game vẫn học giỏi là có thực 100% nhưng lạm dụng chơi game chắc chắn dẫn tới hậu quả tiêu cực”, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết. Bác sĩ Hồng Thu từng tiếp cận hồ sơ của D. - một học sinh ngoan, nhận thành tích tốt trong năm học nên đề nghị bố mẹ cho chơi game thỏa thích trong 1 tháng hè.
Sau 1 tháng, cậu học sinh không muốn ra khỏi phòng hoặc tiếp xúc bất cứ ai và khi bị bố tháo thẻ sim, D. nổi khùng, đập phá điện thoại. Cậu học sinh bất hợp tác với mọi người, làm mọi việc để được chơi game và hiện đã rời khỏi nhà, sống lang thang, bỏ lại người mẹ đã phát bệnh vì lo lắng cho đứa con nghiện game.
Thừa nhận chơi game giúp giải tỏa căng thẳng nhưng bác sĩ Thu khẳng định, nếu không biết điểm dừng, game dẫn tới nhiều tác hại như quên đi cuộc sống, người thân ở đời thực; giảm hiệu quả học tập và lao động… Thậm chí, nhiều trường hợp vì chơi game quá mức dẫn tới đột quỵ, đau tim, phát triển huyết khối khi ngồi thời gian dài chỉ một tư thế…
Cũng theo bác sĩ Thu, người chơi game thường tiếp xúc với màn hình tương tác (trái ngược với màn hình thụ động như ti vi), làm tăng tiết hóa chất “niềm vui” của não. Mật độ chất này tăng cao có thể dẫn đến triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác. Thanh thiếu niên có nhiều khả năng mắc loạn thần khi bị sang chấn mạnh, thiếu ngủ hoặc bị kích thích quá mức. Theo cơ chế này, tương tác trong game có thể làm xuất hiện loạn thần.
Bác sĩ Hồng Thu khuyến cáo, bố mẹ khi thấy con tiếp xúc game từ 12 tháng trở lên có biểu hiện như mất sở thích cũ, nói dối về quỹ thời gian chơi game, buông bỏ mọi việc để chơi game… nên đưa con đi gặp chuyên gia để được điều trị bằng thuốc hoặc tâm lý.
(Còn nữa)