Gỡ vướng đấu thầu tại cơ sở y tế

TP - Đến nay vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại một số cơ sở y tế, bệnh viện lớn, dù năm 2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực đã tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong lĩnh vực này.

Nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức phải tự mua những vật tư y tế thông thường như dây truyền, dung dịch thay băng, bơm tiêm… theo đơn của bác sĩ. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh viện ở những thời điểm khác nhau vì nhiều lí do mà bệnh viện không có sẵn hoặc không đủ để cung cấp theo yêu cầu điều trị.

Lãnh đạo bệnh viện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế

Mới đây, tại hội thảo triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay: “Các cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm số lượng cho nhu cầu sử dụng trong 2 năm, 3 năm, thay vì đấu thầu dùng cho 1 năm như trước đây. Thông tư của Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế đã mẫu hóa toàn bộ các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu”.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thuốc và đề xuất kiến nghị do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/10, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), nói rằng, các quy định mua sắm thuốc tại nhà thuốc, khoa dược bệnh viện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn tập trung vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và nguyên tắc áp dụng, trong đó nhấn mạnh cơ sở y tế công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong một số trường hợp cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về đấu thầu nói chung, đấu thầu mua thuốc, thiết bị y tế nói riêng; tạo dựng khung pháp lí thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, bệnh viện đảm bảo thuốc, vật tư thiết yếu, đặc biệt trang thiết bị nhưng vẫn còn vướng mắc về quản lí giá.

Ông Cơ nói: “Cần có chính sách về giá thuốc, vật tư y tế. Việc đấu thầu, mua sắm hiện nay có nguy cơ mua phải giá đắt. Lãnh đạo bệnh viện không thể biết giá thật của một thiết bị, của thuốc. Khi mua sắm bằng báo giá từ các doanh nghiệp, hay giá trúng thầu vẫn có nguy cơ giá đó chưa hợp lí.

Các bệnh viện rất lo lắng nên quản lí giá cần có quy định chặt chẽ để bệnh viện tự tin trong việc mua sắm. Ngoài ra, cần tính đúng, tính đủ giá viện phí để vận hành hoạt động của bệnh viện công có hiệu quả”.

Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi đối với những nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, hoặc chưa phù hợp thực tế. Đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng sổ tay về quy trình mua thuốc, thiết bị y tế. “Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này.

Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên”, ông Cương nói.