Giữ ‘hồn thiêng núi rừng’

TP - Trong ngôi nhà sàn nhỏ giữa buôn Drăh vang vọng tiếng Ching Kram (chiêng tre), hòa lẫn vào gió nhẹ, không gian như ngưng đọng. Nghệ nhân Y Môi Mlô bảo: Từ bao đời nay, cồng chiêng gắn bó với cuộc sống của người Tây Nguyên. Khi được UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì bà con rất tự hào nhưng tình trạng chảy máu cồng chiêng diễn ra khắp nơi. 
Cồng chiêng là báu vật của bà con buôn Drăh

Trước thực tế đó, nghệ nhân Y Môi cùng nhiều người khác tập hợp các bạn trẻ trong buôn, chỉ dạy cách đánh chiêng. Giờ buôn Drăh (xã Cư Né, huyện Kroong Búk, Đắk Lắk) đã có thêm một đội chiêng trẻ. Buổi chiều cuối tuần các thành viên tập trung ở nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cùng tập các điệu múa truyền thống, tập đánh chiêng tre, chiêng đồng.
Nhiều năm nay, nghệ nhân Y Môi và Y Nguôn được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Búk mời đi dạy chiêng cho các lớp chiêng trẻ trên địa bàn. Ông Y Môi bảo: Dù xã hội phát triển đến đâu thì các thế hệ vẫn phải biết chơi và giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Đằng sau mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần, cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Nếu nói nhà rông là hồn của buôn làng thì cồng chiêng là hồn thiêng của núi rừng. 

Nỗi lòng nghệ nhân
Lúc chúng tôi mới vào buôn Drăh, nhiều người nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét, chỉ khi anh Y Vân, Phó bí thư Đoàn xã đến dẫn vào nhà nghệ nhân Y Môi thì bầu không khí mới trở nên dễ chịu. Anh Y Vân giải thích: Trước đây, buôn này mất rất nhiều chiêng, vì có nhiều người tìm về hỏi mua hoặc đổi chiêng, giờ thấy người lạ họ đề phòng. 

Nghệ nhân Y Môi, đã qua tuổi 70, trầm ngâm: Nhạc cụ hỏng, mất có thể chế tác lại nhưng cồng chiêng mất thì khó mua lại. Trước đây, buôn Drăh sống trong vùng căn cứ cách mạng. Năm 1976, có chính sách của nhà nước về đây lập buôn. Vào năm 1979, nhiều người lạ tìm đến làng hỏi mua cồng chiêng, họ trả giá rất cao nhưng bà con không ai bán. Năm đó cồng chiêng mất rất nhiều, gia đình ông cũng bị mất một bộ chiêng quý. Bây giờ ông còn giữ được một chiếc chiêng cái (chiêng mẹ). Vào phòng lôi dưới giường chiếc chiêng, ông cho biết: Chiêng này là báu vật của ông bà để lại, còn có từ lúc nào thì ông không nhớ nổi. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng không thể thiếu trong các nghi lễ, từ lễ cầu sức khỏe, mừng lúa mới, đón một đứa trẻ ra đời cho đến khi kết thúc một kiếp người. Vì thế khi có một bộ chiêng, họ cất giữ cẩn thận truyền từ đời này sang đời khác.

Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Y Môi còn lưu giữ nhiều báu vật truyền thống: chiếc trống da trâu trên 100 tuổi, 8 chiếc ché cổ và chiếc ghế Kpan dài 8 mét. Chỉ cần quả bầu, dăm ba ống nứa cùng vài vật dụng đơn sơ, ông Y Môi có thể chế tác thành nhạc cụ. Ông tâm sự: Chế tác nhạc cụ cũng như chăm sóc một đứa con thơ, phải nắn nót tỉ mỉ và đặc biệt phải làm sao để âm thanh phát ra hay và chuẩn. Ông không nhớ mình đã chế tác ra bao nhiêu nhạc cụ, chỉ nhớ rằng khi chúng hỏng hoặc có việc cần, ông và ông Y Nguôn đi tìm tre nứa về chế tác, có cái cho dân làng sử dụng. Trong nhà có nhiều nhạc cụ truyền thống được ông chế tác như: Đing năm, đing Tắk tar, đing Puốt… Âm thanh của các nhạc cụ ấy vẫn ngân vang mãi hòa lẫn vào tiếng rì rào của rừng thông xanh.

Anh Y Vân cho biết: Buôn Drăh có 180 hộ dân, hơn phân nửa số này sở hữu nhiều bộ chiêng, đặc biệt có nhiều bộ chiêng quý. Nhiều lúc kinh tế khó khăn, có người đến trả cả trăm triệu đồng nhưng bà con vẫn vững vàng trước mọi cám dỗ để giữ chiêng. Nối tiếp cha ông, lớp trẻ ở buôn Drăh ý thức được việc bảo tồn nét văn hóa dân tộc. Hiện buôn có đội chiêng trẻ, đội múa gồm 14 thành viên, thường được chọn đi biểu diễn, tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức, mang về nhiều giải thưởng.