Hướng tới người thu nhập thấp
Khoảng nửa tháng nay, từ siêu thị đến cửa hàng lớn trên phố đã trưng bày các giỏ quà Tết. Tại Big C Long Biên (Hà Nội), nhiều kệ hàng trưng bày những giỏ quà Tết, với mức giá thấp nhất 99.000 đồng, cao nhất 1 triệu đồng. Đại diện Big C cho biết, các giỏ quà đa số là hàng Việt Nam phục vụ nhiều đối tượng, trong đó hướng nhiều tới người có thu nhập thấp. VinMart và VinMart+ có các giỏ quà Tết phổ thông với mức giá từ 399.000-699.000 đồng. Hệ thống siêu thị này có các phiên bản giỏ quà tặng phong thủy ngũ hành với mức giá 899.000 đồng.
Chị Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) chọn giỏ quà Tết tại siêu thị Coopmart Hà Đông cho biết: “Năm nào mình cũng mua 10 giỏ quà Tết để biếu họ hàng hai bên. Tại siêu thị, giỏ quà được bọc đẹp và toàn những sản phẩm các công ty Việt nên mình mua. Mình chọn loại trung bình giá 300.000 đồng/giỏ”. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Đông, nói: “Siêu thị bày bán hơn 50 mẫu gói quà Tết được gói sẵn theo mẫu gồm 12 mẫu dành cho anh chị em công nhân giá từ 125.000- 299.000 đồng và nhóm 38 mẫu gồm 11 hộp quà Tết hiện đại, 21 giỏ quà Tết truyền thống, 4 giỏ quà Tết sản phẩm thương hiệu Co.opmart và 2 giỏ quà Tết trái cây có giá bán từ 299.000 đồng đến 1.999.000 đồng”. Theo bà Dung, các năm trước, tiêu chí của khách hàng khi chọn quà Tết thường là các sản phẩm ngoại nhập, giá đắt. Năm nay, đa số chọn đặt sản phẩm xuất xứ Việt Nam với mức giá tầm trung. Vẫn có khách thích giỏ quà có các sản phẩm nhập ngoại nhưng mức giá cũng phải vừa tầm, không quá đắt.
Bà Bùi Thị Duyên Châu, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thịnh, cho biết, hằng năm, doanh nghiệp này tập trung xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu các sản phẩm từ xoài, thanh long, chanh dây... Năm nay, do dịch COVID-19, xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp phải đổi hướng, mang các sản phẩm xuất khẩu bán tại thị trường nội địa. Doanh nghiệp cũng chào hàng các mẫu quà tặng với giá 700.000-1,5 triệu đồng. Nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm mọi năm chỉ bán nguyên liệu đóng gói cho các doanh nghiệp làm quà tặng nay cũng mở rộng kinh doanh, chủ động làm các mẫu giỏ quà với mức giá 400.000-800.000 đồng.
Chị Bích Thoa, chủ đại lý bán bánh kẹo lớn trên phố Hàng Khoai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, cửa hàng tập trung làm sẵn các mẫu giỏ quà Tết với mức giá từ 400.000 đồng đến trên 700.000 đồng. Theo chị Thoa, giỏ quà phổ biến thường gồm rượu, bánh kẹo, mứt tết, trái cây khô hoặc các hạt dinh dưỡng và trà hay cà phê. “Tầm này năm ngoái, cửa hàng đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng giỏ quà Tết từ các công ty, xí nghiệp đặt mua, nhưng năm nay chậm hơn. Số các đơn vị đặt giỏ quà Tết mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng đặt cũng chỉ vài chục giỏ chứ không nhiều. Khách mua lẻ đến thời điểm này rất ít. Thường phải cách Tết 2 tuần, lượng khách lẻ mới tăng”, chị nói.
Hà Nội: Hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ hàng Tết
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, cho biết, nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa và kích cầu tiêu dùng ở Thủ đô, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp bố trí 14 điểm bán hàng cố định hỗ trợ các địa phương trên cả nước đưa hàng hóa về tiêu thụ tại Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2021.
Đến nay, trên cơ sở giới thiệu của Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương đã bố trí được gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà văn hóa, công viên. Sở cũng đã gửi công văn thông báo nhận đăng ký tới Sở Công Thương của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, 6 tỉnh, thành phố đã có đăng ký đưa hàng về các điểm bán hàng này.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương, hằng năm, Hà Nội thường hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các tuần hàng hóa vào dịp Tết. Bà Lan cho biết, với các điểm bán hàng đã có sẵn ki-ốt, khi tham gia, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký chỉ phải đóng tiền điện, nước cho đơn vị quản lý. Sở Công Thương đang đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt các ki-ốt đối với những điểm bán hàng chưa có ki-ốt như công viên, nhà văn hóa. “Tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là Hà Nội sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức cho các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn”.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết ở Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).