Những vụ kiện tụng, những cuộc chiến trị giá nhiều triệu USD để lôi kéo người tài giỏi với những biển quảng cáo lớn giăng khắp thành phố. Chuyện này nghe như thể Hollywood, nhưng thực ra nó là thị trường "siêu giáo viên" ở Hong Kong.
Dạy thêm là một nền công nghiệp ở Hong Kong, nơi các "mẹ hổ" (những phụ huynh sử dụng nhiều biện pháp nghiêm khắc để thúc ép con đạt thành tích cao) hao tâm tổn lực để tìm kiếm thầy dạy thêm, nhằm đảm bảo cho con cái mình một chỗ trong các trường đại học hàng đầu. Các giáo viên giỏi kiếm tiền bộn như chủ ngân hàng và nổi tiếng như sao nhạc pop.
Tuần trước, công ty Modern Education đăng một bức thư ngỏ lời trên các tờ báo địa phương, mời Lam Yat-yan, 28 tuổi, một trong những giáo viên nổi tiếng nhất Hong Kong. Họ cam kết trả 11 triệu USD một năm nếu anh rời bỏ công ty đối thủ Beacon Group và thu hút 25.000 học sinh.
Modern Education có công ty mẹ đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào năm 2011. Họ đề nghị Lam, thầy giáo tiếng Hán, chỉ ít lâu sau khi đối thủ Beacon lên sàn.
Lam trông giống như một thành viên nhóm nhạc hơn là một giáo viên với mái tóc vuốt keo và quần áo bảnh bao. "Tôi có những người bạn rất hâm mộ thầy", Coby Lam, một trong những học trò cũ của Lâm, cho biết. "Một người bạn của tôi có điểm số cao hơn sau khi theo học thầy, đó là lý do tại sao tôi cũng đăng ký theo".
Tiffany Lai, một học trò cũ khác, cho biết cô đã tham gia lớp học cùng với bạn cùng lớp vì lo sợ tụt hậu. "Tôi nghĩ rằng thầy là một người nói chuyện hay, đó là điểm mạnh của thầy", cô nói. "Đôi khi tôi còn thấy một số người khóc trong bài giảng của thầy, vì lời thầy nói cho họ động lực".
Với lời ca ngợi như thế, không khó để tưởng tượng cuộc cạnh tranh giữa các trung tâm để tìm kiếm thầy giỏi. Những giáo viên có uy tín thường phải ký vào những bản hợp đồng cam kết không làm việc cho công ty khác, tuy nhiên những lời chào mời quá hấp dẫn đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh chấp pháp lý.
Beacon tiết lộ trong một bản cáo rằng những giáo viên hàng đầu của mình đã tạo ra khoảng 40% doanh thu công ty, tương đương hơn 42 triệu USD trong năm tài chính vừa qua.
"Nếu mất đi một thầy giỏi, thì điều đó có thể làm sụt giảm đáng kể số lượng tuyển sinh, chất lượng và ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của chúng tôi", công ty cảnh báo.
Giáo viên thường được trả tiền hoa hồng tính trên số lượng học sinh và với công nghệ hiện nay, việc học qua mạng đã giúp họ mở rộng tầm với. Khi thầy Lam đứng giảng ở một lớp học, công ty quay video bài giảng của thầy và phát đi phát lại hàng chục lần trên trang chủ. Những sinh viên xem video chỉ được giảm 2,5 USD cho khoá học 4 buổi có giá 76 USD.
Thầy giáo Lam Yat-yan nổi tiếng ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Hong Kong có hơn 900 trung tâm học thêm cho những học sinh thuộc bậc trung học phổ thông, nhưng số lượng tuyển sinh đã giảm từ 206.500 năm 2010 xuống còn 180.300 vào năm qua, do suy giảm dân số trong độ tuổi đi học, theo một báo cáo được thực hiện bởi công ty chuyên nghiên cứu thị trường Euromonitor. Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian đó, doanh thu của ngành này đã tăng từ 119 lên 132 triệu USD.
Còn về thầy giáo Lam, anh cho biết anh sẽ ở lại Beacon, miễn là công ty cung cấp một "môi trường làm việc công bằng và hợp lý". Trên trang Facebook có khoảng 67.000 người theo dõi của mình, Lam viết rằng "kiếm thêm 50 triệu hay 80 triệu USD nữa cũng không phải là chuyện quan trọng đối với tôi".