Đề cập đến lĩnh vực giáo dục tại phiên thảo luận chiều 30/5, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng với những gì diễn ra trong thời gian gần đây, đôi khi còn nghi ngờ vai trò và chính sách hành động của ngành giáo dục.
Thứ nhất theo ông, chất lượng giáo dục không thực chất, vẫn chạy theo bệnh thành tích, không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng.
“Không phải bệnh thành tích thì là gì, khi mà một lớp học có 43 học sinh, có tới 22 học sinh giỏi? Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi, có rất nhiều nếu chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ, tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đấy bể”, ĐB cho hay.
Đặc biệt, đề cập đến tiêu cực trong thi cử, theo ông đây là giọt nước làm tràn ly, để xem lại thực chất của việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1”.
“Tiêu cực trong thi cử năm 2018, là giọt nước tràn ly buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học. Phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử trong năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đã làm băng hoại nền tảng xã hội và nền giáo dục nước nhà”, ĐB nhìn nhận.
Từ phân tích trên, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trúng thực chất những vấn đề tồn tại của ngành, có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.
Sai phạm mang lỗi hệ thống
Cũng tại phiên thảo luận sáng 30/5, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, việc thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn. Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, Hồ Chí Minh.
“Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, trong tương lai các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả.
Theo ông, trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều cải cách nhưng theo tôi phương pháp là chưa đúng. Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối.
“Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường”, GS. ngành y Nguyễn Lân Hiếu bình luận.