Giảm nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực ATTP

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoảng 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc 5 mặt hàng thuộc quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.

Tại công văn số 11367/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế: “Thực hiện cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế quản lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại điểm 4 phần III Thông báo số 50/TB-VPCP ngày 5.2.2018 của Văn phòng Chính phủ”.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế được giao quản lý An toàn thực phẩm đối với 5 mặt hàng bao gồm: phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Để phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, căn cứ trên tính chất của 5 mặt hàng trên và các nguyên tắc phân loại hàng hóa theo mã số HS phân định đến 8 chữ số, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng, ban hành Thông tư 05/2018/TT-BYT ngày 5.4.2018 ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21.5.2018) gồm 815 dòng hàng được chi tiết từ 5 mặt hàng được phân công quản lý.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (nghị định có hiệu lực từ 2.2.2018) các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ thuộc diện được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, số dòng hàng được miễn kiểm tra là 5 dòng hàng.

Các dòng hàng còn lại (810 dòng hàng) được chi tiết hóa từ 4 mặt hàng (phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và thực phẩm bổ sung) thuộc nhóm sản phẩm tự công bố và được áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra giảm. Theo đó, số lô hàng phải kiểm tra hồ sơ do cơ quan hải quan thực hiện tối đa là 5%. Như vậy, tối thiểu 95% số lô hàng của 810 dòng hàng này không phải kiểm tra chuyên ngành.

Theo Cục ATTP, như vậy về cơ bản (khoảng 98%) các lô hàng thực phẩm nhập khẩu là đối tượng quản lý của Bộ Y tế thuộc 5 mặt hàng của 815 dòng hàng không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu mà sẽ thực hiện hậu kiểm khi tiêu thụ trên thị trường. Theo quan niệm dòng hàng thì yêu cầu cắt giảm 50% nhưng nếu tính trên lô hàng thì trên 95% số lô đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành.