Giám định tư pháp không xã hội hóa tràn lan

TP - Thảo luận về dự án Luật giám định tư pháp (GĐTP) tại tổ ngày 15-11, ĐBQH cho rằng không nên xã hội hóa hoạt động GĐTP tràn lan, vì sẽ khó đảm bảo tính khách quan trong các kết luận - một căn cứ quan trọng của vụ án.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) và ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), cho rằng, giám định pháp y (GĐPY) là lĩnh vực đặc thù, nên thống nhất để Bộ CA quản lý như hiện nay. “Tổ chức GĐPY phải là công lập, không nên xã hội hóa, và cũng không nên coi đây là lĩnh vực như một nghề để kiếm sống" - ĐB Quyền nói.

ĐB Đỗ Kim Tuyến, Tổng Cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ CA) và một số ĐB cho rằng, việc xã hội hóa các tổ chức GĐPY sẽ khó đảm bảo được sự trung thực của các kết luận giám định nếu thực hiện bởi cơ sở ngoài công lập.

"Nếu qui định thì nên hạn chế ở một số lĩnh vực hẹp. Thực tế, đã có vụ án tranh chấp về lĩnh vực gen do có hai bản kết luận khác nhau" - Ông Tuyến dẫn chứng. Có ĐB nhấn mạnh, nếu xã hội hóa sẽ rất khó quản lý các tổ chức này, giống như từng xảy ra với xã hội hóa hoạt động công chứng thời gian qua. Thậm chí, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không thể quản lý nổi.

Bàn về nghề GĐPY, một số ĐB cho rằng đây là nghề không ai muốn làm, bởi tính chất công việc nặng nhọc. Thế nhưng, do chế độ đãi ngộ thấp, có nơi không thể tuyển cán bộ mới vì không ai chịu vào nghề này. "Mổ tử thi mà giá rẻ như vá một chiếc lốp xe máy thì ai làm" - ĐB Quyền lo ngại.

Theo Báo giấy