Sau bài viết về xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đăng trên Tiền Phong số ra ngày 27/5, một số nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh có ý kiến xung quanh câu chuyện nên điều chỉnh tiêu chí xét giải: Chưa có bức ảnh chụp trong thời bình nào được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Kho ảnh có giá trị trong thời chiến đã được giải thưởng khai thác gần hết. Các nhà chuyên môn cắt nghĩa vì sao ảnh thời bình vẫn chưa được vào giải.
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến: Nên “khóa sổ” nhiếp ảnh chiến tranh
Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước có giá trị cao nhất, dành cho những tác phẩm đạt tầm quốc gia. Các nhà nhiếp ảnh cũng nhìn vào những tác phẩm được giải để trau dồi nghề nghiệp. Giải thưởng làm cho ngành nhiếp ảnh trở nên sang trọng hơn, anh em trong giới vui mừng nhưng cũng có những cái băn khoăn. Không phải giải nào cũng thật sự khiến cho giới nhiếp ảnh tâm phục khẩu phục.
Đầu tiên về khâu thẩm định, theo thông lệ BCH khóa này sẽ đưa danh sách lên hội đồng để xét giải theo quy trình mang tính tập thể, hiệp thương. Các BCH cứ 5 năm một lần lại thay nên tầm bao quát và hiểu tác phẩm cũng có mức độ. Tất nhiên trong văn học nghệ thuật không có chuẩn tuyệt đối. Nhưng giải này cần phải chuẩn vì còn liên quan đến định hướng sáng tác.
Về cơ bản các tác phẩm nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước thời gian qua nội dung đều tốt, phản ánh sự kiện lớn, hiện thực lịch sử. Tuy nhiên so sánh giữa giải nọ với giải kia, giữa các tác phẩm cùng đoạt một giải có độ chênh lệch. Có những bức ngay trong giới cũng ít biết đến. Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước là giải cho các ngành nghệ thuật, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa định lượng ra được tiêu chí nghệ thuật, vẫn thiên về nội dung quá nhiều.
Đặc trưng nhiếp ảnh hơi khác. Các loại hình nghệ thuật kia đều có tính trừu tượng, đến hôm nay vẫn có thể tiếp tục ca ngợi cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập. Riêng nhiếp ảnh không thể chụp những cái đã xảy ra, cho nên nếu lấy tiêu chí chiến tranh cách mạng thì nhiếp ảnh “chết”.
Chưa có giải nào cho đề tài thời bình. Những sự kiện lớn về đối ngoại của đất nước hay ngay cả hình ảnh về chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, quân ta giúp nước bạn… hầu như chưa có hoặc chưa được đưa vào. Từ 20 năm nay, nhiếp ảnh Việt Nam có rất nhiều giải thưởng lớn thế giới có nên tính vào không?
Gần như tất cả các ảnh được giải toàn chống Pháp chống Mỹ. Nếu cứ mặc định tiêu chí đó sẽ phải lấy những ảnh mà trước đây không được duyệt để đưa vào. Có những bộ ảnh xét lần thứ nhất chưa được, những đợt sau lại được đưa vào duyệt vẫn không được, làm khó cho hội đồng. Với nhiếp ảnh chiến tranh tôi cho rằng nên khóa lại. Hãy tập hợp tất cả những tác phẩm đề tài này xét một lần, sau đó thôi. Nhiếp ảnh trước hết là tài liệu thì phải có giá trị ngay từ đầu. Chứ cứ sau 5 năm có cố ép nó vào giải cũng không tới được.
Tất nhiên đôi khi cũng có tác phẩm bị bỏ sót. Ví dụ bức ảnh của Văn Thính, người miền Nam là phóng viên TTXVN chụp cảnh bộ đội dân quân gánh các thanh gỗ trên vai làm cầu để chuyển thương binh qua suối gây xúc động. Tôi cảm thấy những bức ảnh như vậy rất hiếm trên thế giới, rất đặc trưng cho chiến tranh Việt Nam. Hình như nó từng qua vòng đề cử của Hội. Nếu được tham khảo ý kiến rộng rãi, chắc sẽ nhiều người đồng tình với tôi về bức ảnh này.
Việc xét ảnh vào giải cũng nên dân chủ hóa, tham khảo mở rộng bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm trong hội viên. Ngoài bình xét của hội trung ương, thêm ý kiến địa phương thì khi công bố giải sẽ được dư luận rộng rãi đồng tình. Quá trình lấy ý kiến coi như sinh hoạt nghề nghiệp đồng thời tuyên truyền phổ biến tác phẩm. Không riêng nhiếp ảnh mà các ngành khác cũng nên làm theo cách này.
Mỗi đợt xét giải nên là một đợt cho các hội nghề nghiệp rà soát tác phẩm tiêu biểu được sáng tác 5 năm trước đó. Cụ thể với nhiếp ảnh, có bao nhiêu giải xuất sắc trong 5 năm cứ mạnh dạn đưa lên, vừa để giới thiệu tác phẩm ra bên ngoài, vừa khơi dậy niềm đam mê sáng tác trong anh em. Nếu các tác phẩm chụp đời sống hôm nay không được xét đến thì anh em có thể cũng không ý thức phấn đấu nâng cao chất lượng đạt đến tầm để có thể xét giải.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Cần điều chỉnh cái nhìn về nhiếp ảnh hơn là tiêu chí
Thực ra cũng không có quy định là ảnh chiến tranh mới được vào giải Nhà nước. Tiêu chí của trên cũng đề ra chung chung: Tác phẩm có giá trị nội dung tư tưởng, sâu sắc về nghệ thuật… Trong những tác phẩm được giải cũng có những bức không chụp về chiến tranh. Ví dụ ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn của Lâm Hồng Long.
Nhưng đúng là mảng ảnh từ thời sau giải phóng ít được xét. Có một số tác phẩm về cuộc sống thời bình được đề cử nhưng chưa nhiều. Ảnh màu từng có tác phẩm chụp điện gió Bạc Liêu được đề cử vào giải Nhà nước. Sách ảnh của Nguyễn Á đáng ra được đợt trước rồi nhưng chưa đạt quy định phải công bố 3 hay 5 năm trước thời điểm xét giải. Nghĩa là trong khoảng thời gian đó phải không có ý kiến gì phản đối. Thế giới, nhất là ảnh thời sự, ngay trong năm được xét giải ngay. Như mình lại để sau 3 năm thì hoàn toàn mất giá trị thời sự của ảnh. Nếu nó có giá trị thì ngay trong năm đánh giá được rồi. Quy định đó không sát thực tế, nhất là với nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh phải bám lấy cuộc sống. Sau 3 năm nhạt đi rồi còn gì mà xét nữa.
Trong nhiếp ảnh không cần thiết rạch ròi báo chí hay nghệ thuật. Nói chung nó là nghệ thuật tạo hình bằng nhiếp ảnh. Báo chí khai thác nhiếp ảnh nhiều nhất, hiệu quả nhất. Nhưng rất nhiều bức ảnh không được báo chí đăng ngay lúc đó nhưng có giá trị lịch sử, thời đại sâu sắc vẫn được giải.
Ví dụ như bức Vũ Năng An chụp Bác Hồ đi thăm mặt trận Đông Khê những năm 1950 có báo chí nào đăng thì nó thuộc ảnh báo chí hay nhiếp ảnh nói chung? Trong báo chí những bức ảnh đạt chất lượng cao, có giá trị nội dung sâu sắc bám sát thời sự là ảnh nghệ thuật thôi. Nếu mình tách bạch báo chí riêng thì chả lẽ ảnh báo chí đạt giải cao không có giá trị nghệ thuật?! Nó có giá trị nghệ thuật rõ ràng, phải hoàn hảo về thẩm mỹ thì mới được công nhận chứ. Nên giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước cho nhiếp ảnh vào các bộ môn nghệ thuật để trao tôi thấy hoàn toàn đúng, rất chuẩn.
Trong số những bức ảnh được giải quốc tế trong thời bình tôi nghĩ cũng có những tác phẩm có thể cho vào được giải thưởng Nhà nước. Điều chỉnh tiêu chí cũng chỉ một phần. Cái chính là điều chỉnh cái nhìn về nghệ thuật nhiếp ảnh. Trên thế giới cũng như Việt Nam có 2 loại hình nhiếp ảnh. Một là chụp người thật việc thật không có can thiệp hậu kỳ vẫn là truyền thống từ xưa đến giờ. Các bức ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đều thuộc loại hình này.
Loại thứ hai mang tính sắp đặt hay sử dụng kỹ xảo còn bị một số người quan niệm là ảnh chắp ghép, bịa đặt. Đó cũng là một nhánh nhiếp ảnh nghệ thuật nếu có nội dung sâu sắc hình thức thể hiện hợp lý. Cớ gì không xét vào những giải thưởng cao như Giải thưởng Hồ Chí Minh hay Nhà nước?
Những bộ ảnh chiến tranh xưa dễ nhìn ra giá trị để đánh giá. Còn những bức ảnh trong hòa bình khó chụp chứ không phải đơn giản. Ở chỗ nó sàn sàn, đều đều. Ảnh chiến tranh thể hiện rất rõ sự xả thân hy sinh. Ví dụ với giải Robert Kappa, công sức và hy sinh xương máu của tác giả để có bức ảnh cũng là một tiêu chí để xét. Ảnh hòa bình ít có yếu tố đó, chủ yếu xét về tính tư tưởng, tư duy và nghệ thuật. Một phần vì một số bức trong thời bình thể hiện những yếu tố đó được sâu sắc, nổi bật, cuốn hút nên ít vào giải.
Thiên tai, hỏa hoạn cũng là một dạng ảnh dễ được nhìn nhận vì nổi bật. Nhưng ảnh chụp cuộc sống thường ngày, tâm lý tình cảm con người thể hiện tính nhân văn còn hơi ít. Để thể hiện cuộc sống bình thường gắn liền với sự thay đổi của đất nước đòi hỏi tư duy rất sâu sắc. Rất mừng gần đây một số tác phẩm thời bình được ghi nhận cho thấy có sự chuyển biến trong cách nhìn, tiêu chí đánh giá về nhiếp ảnh.
Trong quy trình xét giải, những tác phẩm được Hội đồng đề nghị trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước bao giờ cũng được đưa lên web của Hội, của Bộ cho mọi người xem xét, góp ý. Công khai 45 ngày nghe ngóng rút kinh nghiệm. Chứ nếu mới chỉ đang xét ở cấp Hội đã đưa ra thì không có tác dụng. Giới thiệu tác phẩm chỉ mới có khả năng được giải cho anh em hội viên không thuyết phục. Nó phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn giải thưởng thì mới xứng đáng làm định hướng phấn đấu cho anh em.
Theo Nhà nhiếp ảnh Bùi Hỏa Tiễn: "Nói chung từ trước đến nay Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước vẫn xét trao các tác phẩm trong chiến tranh cách mạng thôi, thời bình chưa có. Nhưng vài năm nữa, khi hết lượng ảnh “lương khô” về chiến tranh cách mạng rồi thì cũng nên dùng ảnh thời kỳ Đổi mới. Nhưng xét ảnh thời kỳ này cũng hơi khó vì tính nổi bật hạn chế.
Nếu so bó đũa chọn cột cờ thì những công trình của Nguyễn Á, Trần Phong... đáng để lưu tâm. Những tác giả như Lê Hồng Linh, Đào Tiến Đạt… có hàng trăm giải thưởng quốc tế thể hiện một một sức sáng tạo và ý chí đi con đường riêng cũng xứng đáng nhưng những cuốn sách ảnh vẫn thuyết phục hơn vì có tính thời sự".