Tựa tiếng Anh Anatomy of a Fall và cả tên gốc của phim bằng tiếng Pháp Anatomie d'une Chute đều có nghĩa tiếng Việt là Giải phẫu một cú ngã. Đây là cái tên phim được nữ đạo diễn Justin Triet đo ni đóng giày, nó bao quát hoàn hảo câu chuyện và những ẩn ý của tác phẩm. Có lẽ là để thu hút sự chú ý của khán giả, khi công chiếu ở Việt Nam, người ta đã dịch thoát nó thành Kỳ án trên đồi tuyết.
Kể tiếp cận ở góc độ trinh thám thì gọi chuyện phim thành kỳ án cũng miễn cưỡng được. Vài phút sau khi bộ phim bắt đầu, một cái chết bí ẩn đã xảy ra. Và cho đến cuối phim, người xem vẫn mơ hồ về chân tướng thực sự của cái chết này.
Nhưng đó chỉ là cái vỏ để Justin Triet để một câu chuyện khác, về sự đổ vỡ hôn nhân của một cặp nhà văn mà ở đó sự thành công của người vợ - nữ nhà văn người Đức Sandra Voyter (Sandra Hüller đóng) tỷ lệ nghịch với cảm giác hạnh phúc của người chồng Samuel Maleski (Samuel Theis đóng).
Phim mở đầu bằng cuộc phỏng vấn của một nữ sinh viên với Sandra Voyter. Buổi làm việc nhanh chóng bị cắt ngang bởi tiếng nhạc khủng bố do chồng của Sandra khởi xướng. Sau khi nữ sinh viên ra về, Samuel được con trai phát hiện tử vong do rơi từ lầu cao.
Rất nhiều giả thiết đã được đặt ra: Samuel có bị ngã không? Đó là tự sát hay giết người? Những nghi ngờ đầu tiên nhanh chóng đổ dồn vào Sandra khi cô là nghi phạm duy nhất ở thời điểm xảy ra tai nạn.
Một phiên tòa được mở ra, cùng với sự hé lộ dần của các bằng chứng mà cao trào là đoạn ghi âm hơn 10 phút về cuộc cãi vã của Sandra và chồng, kết thúc bằng cái tát bạo lực của cô đã khiến công chúng có cái nhìn khác về cuộc hôn nhân của nữ nhà văn.
Trong quá trình cãi vã và đổ lỗi, cả hai liên tục ném vào nhau những quả bom ngôn từ có sức sát thương cực cao. Sandra nói chồng là hèn nhát, không dám đi đến cùng con đường văn chương mà mình đã chọn. Samuel gọi vợ là đồ máu lạnh khi cô không màng đến con cái và gia đình, chỉ chuyên tâm vào công việc sáng tác của mình.
Câu chuyện cơm áo không đùa với khách thơ được tóm gọn một cách nghiệt ngã chỉ trong 10 phút. Hai con người đến với nhau bằng tình yêu và lòng ngưỡng mộ tài năng, qua sự mài xát của hiện thực, những nhung tuyết mất đi, thay vào đó là các khoản nợ hóa đơn, thời gian dành cho con cái, gia đình… Thời gian riêng tư dành cho sáng tạo bị cắt xén khiến họ loay hoay không thu xếp được, khiến tình yêu nứt vỡ mà không cách nào hàn gắn. Mọi mâu thuẫn chỉ chấm dứt bằng một cái chết.
Khi Giải phẫu một cú ngã giành ngôi vương ở LHP Cannes, tờ Le Figaro của Pháp đã gọi nó là một Cành cọ vàng táo bạo. Cái nhìn sắc lẹm không khoan nhượng và lối mổ xẻ tâm lý tinh vi khiến cho người xem trải qua 150 phút giống như soi gương mà không hề nhàm chán.
Cuộc sống gia đình được ví như một lò than mà ở đó những hòn than vừa sưởi ấm, cũng vừa thiêu đốt nhau là câu chuyện của mọi nhà. Xét cho cùng, trong mỗi đổ vỡ, một bàn tay không tạo ra tiếng vỗ. Đó là lý do ngay cả khi nhạc kết của bộ phim vang lên, một số khán giả vẫn mù mờ, vậy thì Sandra có thật sự vô can trong cái chết của chồng, cho dù sòng phẳng ra thì đúng là cô không nợ anh gì cả: cô không có lỗi trong thất bại và những bế tắc sáng tác của anh, và rằng chẳng phải mỗi người đều phải tự loay hoay trong việc tìm kiếm vị trí của mình?
Giải phẫu một cú ngã là bộ phim thứ 4 của Justine Triet, nữ đạo diễn 44 tuổi làm tác phẩm “đầy tham vọng” này khi cô đã là mẹ của hai đứa con, và cũng gặp phải vô số vấn đề khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình.
Ngoài việc thuyết phục được ban giám khảo Liên hoan phim Cannes và một bộ phận lớn báo chí Pháp, Giải phẫu một cú ngã đã tìm được khán giả. Tại phòng chiếu của Pháp, tác phẩm đoạt Cành cọ Vàng đã bán gần một triệu vé, thu về hơn 8 triệu Euro.
“Những gì đang xảy ra với bộ phim thật phi thường”, nhà phân phối phim Jean Labadie bày tỏ. Còn tờ Variety đưa tin: Thành tích này giúp phim trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh có tính hàn lâm, thắng giải Cành cọ Vàng có doanh số nội địa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Điều không mấy lạc quan ở các phòng chiếu Việt Nam là số lượng người chào đón những “bom tấn nghệ thuật” này không nhiều. Suất chiếu của BHD (chỉ có suất đặc biệt giá vé 180.000 đồng) hôm thứ 3 chỉ có 5 khách. Tình trạng ế ẩm tương tự ở các phòng vé trong TP. Hồ Chí Minh.
Giới yêu điện ảnh cho rằng tình trạng này kéo dài sẽ càng thu hẹp cửa chiếu của những bộ phim nghệ thuật đỉnh cao tại Việt Nam. Nhớ đến mùa Oscar năm ngoái, siêu phẩm Tar mà nhiều người chờ đợi đã không hề có dấu hiệu khởi chiếu tại Việt Nam. Giới hâm mộ vẫn phải qua những con đường riêng để tiếp cận tác phẩm công phu này.