Giải ngân FDI tăng chậm, vì sao?

TP - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 4 tháng đầu năm 2017 các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân được 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, mức tăng vẫn thấp hơn hẳn so với quãng thời gian trước đó.
Tốc độ giải ngân vốn FDI năm 2017 đang chững lại. Trong ảnh công nhân làm việc tại Nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh.

Tại TPP “chết lâm sàng”?

Năm 2016, mức giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2017, tốc độ giải ngân vốn FDI đang có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, tốc độ giải ngân cùng kỳ của các năm liền kề trước đó tăng rất cao. Cụ thể, tốc độ giải ngân 4 tháng đầu năm 2016 tăng 12% so với 2015; 4 tháng đầu năm 2015, vốn giải ngân đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7% so với 2014.

Đánh giá về sự tụt giảm này, ông Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, TPP rơi vào “ngõ cụt” là một phần nguyên nhân. Ông Sang lý giải, trong các năm trước, nhiều nhà đầu tư chờ đợi TPP được thông qua để tiếp tục đầu tư nhưng sang đầu 2017, khi TPP bị dừng lại, đã khiến họ dần chuyển hướng đầu tư và gây nên sự tụt giảm tốc độ giải ngân FDI.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Lê Quốc Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, TPP chết lâm sàng đã gây ra bước hẫng cho nền kinh tế Việt Nam và tác động đầu tiên là điểm nhấn thu hút FDI đón đầu hưởng lợi TPP không còn.

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một phần nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân FDI chậm do thời gian qua, Chính phủ thắt chặt yêu cầu đảm bảo môi trường với dự án đầu tư nên quá trình giải ngân của dự án chậm, nhằm chờ khoản đầu tư máy móc, thiết bị xử lý môi trường.

Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế lí giải, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD trong tháng 3/2017 khiến tốc độ giải ngân FDI ở Việt Nam chậm lại. Bởi nợ của doanh nghiệp vay bằng USD tăng, khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, doanh nghiệp thận trọng hơn trong quá trình đầu tư.

Giữ chân nhà đầu tư ngoại

Thạc sĩ Lê Quốc Anh cho biết, để giải quyết tình trạng tốc độ giải ngân FDI chậm dần, Nhà nước cần: Nghiên cứu phương án tăng hoặc kéo dài ưu đãi để giữ chân nhà đầu tư ngoại đã đón đầu hưởng lợi TPP nhưng nay bị hẫng; Xem xét hỗ trợ lãi suất cho khoản vay lớn của doanh nghiệp cho mục tiêu tăng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

“Chính phủ cần có kế hoạch hỗ trợ các chương trình đầu tư của doanh nghiệp bị dang dở do TPP bị dừng lại. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thu hút DN nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam”, ông Lê Quốc Anh khuyến nghị.

Là cơ quan trực tiếp quản lý về vốn đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam có nhiều điểm mạnh để thu hút đầu tư như tình hình an ninh, chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh…

Hơn nữa, việc đàm phán và tham gia 12 hiệp định thương mại tự do là cơ hội kết nối Việt Nam với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Những năm gần đây, tỷ trọng vốn đầu tư của FDI chiếm khoảng 25% vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 20% vào GDP và nộp ngân sách ngày càng tăng.

Theo ông Hoàng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư ngày càng gay gắt, Việt Nam cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho DN đầu tư. Việc hội nhập kinh tế phải đồng bộ trên mọi phương diện từ chính sách kinh tế đến pháp luật, bộ máy quản lý, trình độ cán bộ và hạ tầng.

“Chính phủ cần có kế hoạch hỗ trợ các chương trình đầu tư của doanh nghiệp bị dang dở do TPP bị dừng lại. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thu hút DN nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam”.

Thạc sĩ Lê Quốc Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân