Giải mã sự tụt lùi của đầu tàu kinh tế

TP - Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cho thấy, nhiều đầu tàu kinh tế cả nước tụt lùi cả chục bậc xếp hạng, như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Sự tụt lùi cũng thể hiện sự khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương này đang phải đối mặt.

Nhiều tỉnh thành lớn lao dốc

Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo PCI năm 2022. Báo cáo thực hiện dựa trên phản hồi của gần 12.000 doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng DN đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Vừa gắng gượng vượt qua thời điểm đen tối của đại dịch COVID-19, bắt đầu quá trình phục hồi, DN đối mặt cú sốc mới như xung đột vũ trang Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính ngân hàng, lạm phát tăng cao, sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu...

Chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Theo ông Công, kết quả PCI 2022 cho thấy, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp DN tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 ở mức 3,8%. Tuy nhiên, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của DN gồm: Thuế phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng. Tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều DN và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Top 10 địa phương dẫn đầu PCI năm 2022. Ảnh: Như Ý

“Là chỉ số của hành động, PCI thúc đẩy địa phương cải thiện chất lượng điều hành. PCI cũng lan tỏa nhiều mô hình hay, nhiều thực tiễn tốt của những tỉnh là “ngôi sao” cải cách đến các địa phương còn lại trong cả nước để thu hẹp chênh lệch về chất lượng quản trị giữa các địa phương”, ông Công nói.

Một trong những gam màu xám của PCI năm 2022 là nhiều địa phương vốn là đầu tàu kinh tế cả nước nay tụt hạng mạnh. Tiêu biểu như TPHCM đã tụt 13 bậc, Hà Nội tụt 10 bậc, Đà Nẵng tụt 5 bậc, Cần Thơ tụt 7 bậc. Đây cũng là những địa phương có mức tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 thấp kỷ lục.

Đánh giá về điều này, ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc dự án PCI cho biết, nhiều trung tâm kinh tế lớn cả nước như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ giảm sâu vị thế xếp hạng. Các trung tâm kinh tế lớn gặp khó khăn kinh tế lớn hơn so với địa phương khác. Ngoài ra, sự thay đổi xếp hạng PCI của thành phố lớn là do kỳ vọng của nhà đầu tư, DN về cải cách thủ tục hành chính.

“Khi khó khăn, DN trông chờ vào chính quyền địa phương nhiều hơn. DN kỳ vọng vào chất lượng thực thi của địa phương tốt hơn. Dường như chất lượng thực thi của chính quyền cơ sở thấp hơn nhiều năm. Khi khó khăn, sự vào cuộc của bộ máy chính quyền hết sức quan trọng với DN”, ông Tuấn nhận định.

Ông Tuấn dẫn ví dụ, một tập đoàn nhập khẩu hóa chất về Việt Nam phục vụ sản xuất nhưng vướng mắc thủ tục khiến không nhập được hàng, người lao động phải dừng việc. Ông Tuấn đề xuất, việc tháo gỡ khó khăn của DN cũng cần được ưu tiên với chính quyền hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, mỗi khi khó khăn, địa phương đầu tàu kinh tế cả nước như Hà Nội, TPHCM chịu tác động nặng nề nhất. Để khắc phục thảm họa như dịch COVID-19, không thể trong thời gian ngắn. “Chúng ta nỗ lực phòng chống tham nhũng và “sờ” tới các DN tương đối lớn chủ yếu tại các thành phố lớn nhất trong cả nước. Tâm lý DN ở TPHCM, Hà Nội bị chấn động nhiều. Điều này ảnh hưởng môi trường kinh doanh của địa phương u ám hơn”, bà Lan đánh giá.

Lội ngược dòng

Trái ngược sự tụt hạng, một số địa phương lại bứt phá vươn lên. Tiêu biểu như tỉnh Bắc Giang tăng 29 bậc so với năm trước, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI năm 2022. Cộng đồng DN tại Bắc Giang đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán đồng hành với doanh nghiệp của chính quyền tỉnh.

Những năm gần đây, Bắc Giang tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN qua nhiều kênh giao tiếp. Bắc Giang có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: chính sách hỗ trợ DN, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chi phí không chính thức. Bắc Giang đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng như: Bà Rịa Vũng Tàu tăng 5 bậc, Lào Cai tăng 14 bậc, Hậu Giang tăng 26 bậc, Khánh Hòa tăng 28 bậc.

Quảng Ninh là tỉnh “giữ vị trí” quán quân PCI trong 6 năm liên tiếp. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Quý 1/2023, dù bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP 8,06%, là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.