Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có khoảng 17,5 triệu học sinh, đối tượng sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt là SGK. Trong đó, học sinh các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 đang sử dụng SGK chương trình cũ; các lớp còn lại sử dụng SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nếu chia thị phần, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) vẫn đang chiếm phần vì được độc quyền xuất bản SGK chương trình cũ và khoảng 60% - 65% SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2014-2019, NXBGDVN đã móc túi của người dân, học sinh 85 tỷ đồng từ việc “ăn gian” giá SGK. Đó còn chưa kể việc nâng giá giấy in chênh lệch đến hàng trăm tỷ đồng.
Năm học 2022-2023, giá SGK chương trình giáo dục phổ thông mới cao gấp nhiều lần so với SGK hiện hành. Lý do mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra là sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ.
Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được các chuyên gia lẫn phụ huynh học sinh. TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc tăng giá SGK mới cao gấp 2-3 lần so với SGK cũ là không hợp lý.
Theo ông, SGK phục vụ đại trà, do vậy cần phải lựa chọn chất liệu cho phù hợp, cân bằng các nhu cầu của người dân chứ không nhất thiết phải in đẹp, khổ to rồi tăng giá một cách bất hợp lý. Chất lượng giáo dục không quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt.
Chuyên gia này nhận xét với các loại sách bài tập mà học sinh làm bài ngay trên sách thì nên in bằng loại giấy phù hợp. Chỉ những cuốn sách, học liệu sử dụng dài lâu thì mới cần in trên vật liệu tốt.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “SGK và câu chuyện xã hội hoá giáo dục” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, xã hội hóa SGK là cần thiết, đồng thời nêu lên những kết quả đã đạt được của chủ trương này. Trong đó, việc xã hội hóa giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này.
“Tính riêng về biên soạn SGK ước tính cần đến hơn 300 tỷ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác khoảng 400 tỷ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã phải chi hơn 1.000 tỷ đồng” - ông Thưởng thông tin và cho rằng, lần đầu thực hiện xã hội hóa SGK sẽ không thể tránh bất cập, cũng như không tránh khỏi còn sạn trong sách, vấn đề là cơ quan chức năng, biên soạn cần lắng nghe, tiếp thu, có giải pháp để cuối cùng là hướng tới học sinh, hướng tới chất lượng giáo dục.
Liên quan giá SGK hiện nay, theo ông Thưởng, theo quy định hiện hành và Luật Giá hiện nay, SGK là mặt hàng phải kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định; Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình.
Cần có người cầm trịch
Ghi nhận thực tế cho thấy, giá SGK chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay bị đội lên nhiều so với giá SGK chương trình cũ còn do các NXB dùng “thủ thuật”. Đó là chia nhỏ môn học tài liệu môn học thành các chuyên đề để gia tăng đầu sách; xuất bản những cuốn SGK được dư luận cho là không cần thiết như SGK môn Thể dục, SGK hoạt động trải nghiệm… dù trong chương trình quy định phải có SGK.
Ông Lê Viết Khuyến cho rằng, cần có sự quản lý giá SGK một cách rõ ràng. SGK cũng như gạo, xăng dầu, đều là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Nhà nước cần có sự quản lý giá, thậm chí bù lỗ nếu cần, chứ không thể thả nổi giá SGK.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định những sai phạm của NXBGDVN liên quan việc hạch toán giá SGK là do những hạch toán đó không đúng nên đương nhiên đẩy giá SGK lên. Từ vụ việc này, đòi hỏi các quy trình xử lý đấu thầu mua giấy, hay nguyên liệu xuất bản phải bảo đảm được kiểm tra, kiểm soát chuẩn, làm đúng quy định hiện hành. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Dự báo về giá SGK trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, giá SGK phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố giá nguyên liệu đầu vào cơ bản (giấy, mực in…). Với tình hình hiện nay, giá giấy thời gian tới khó có xu hướng giảm. Nên khó có thể giảm giá SGK. Nhưng có một việc mà Bộ GD&ĐT có thể làm để giảm chi phí mua SGK cho phụ huynh đó là quy định nghiêm túc về các loại sách bán kèm, sách bài tập.
Theo ông phải có người cầm trịch. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm không để các phòng giáo dục, các trường, các NXB tự do đưa các loại sách vào nhà trường ép phụ huynh phải mua.