Mặt nạ làm từ giấy bồi từng là đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Hà Nội mỗi dịp Tết Trung thu. Trải qua nhiều năm, các loại mặt nạ bằng nhựa, cao su dần chiếm lĩnh, những gia đình làm mặt nạ từ giấy bồi thu hẹp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) bà Đặng Hường Lan (60 tuổi) ở phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội) là hộ duy nhất còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ. Không gian làm việc của gia đình chỉ là căn gác xép rộng khoảng 20 m2.
Mặt nạ này làm từ giấy, bột sắn và hồ. Các mảnh giấy được kết lại bằng hồ, bột sắn sau đó ép vào khuôn. Nhà ông Hòa có 22 khuôn bằng xi măng với đủ hình thù nhân vật.
Các loại giấy sau khi được bồi vào khuôn cho ra hình thù những nhân vật ngộ nghĩnh gắn liền với tuổi thơ của trẻ em.
40 năm giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi, ông Hòa cho biết những chi tiết trên mặt nạ được tô màu đơn giản, tuy nhiên nếu không cẩn thận để sơn bị nhòe sẽ làm hỏng sản phẩm.
Mặt nạ sau khi được trang trí họa tiết sẽ tiếp tục được phơi nắng một lần nữa trước khi hoàn thành.
Mặt nạ sau khi thành hình sẽ dùng màu vẽ để trang trí họa tiết. Ông Hòa cho biết, để vẽ được lên thì một yêu cầu bắt buộc là mặt nạ phải khô, "nếu không sẽ bị chệch, nhòe ngay".
"Có một thời gian mặt nạ, đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Thời điểm đó đồ tôi làm ra ế ẩm, nhiều gia đình vì thế mà bỏ nghề", bà Hường Lan nói.
Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Hòa sản xuất được hơn 2.000 chiếc mặt nạ các loại, giá dao động 30.000-45.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại và kích cỡ, màu sắc.
Khoảng 3 năm trở lại đây, mặt nạ làm từ giấy bồi bắt đầu bán được vì nhiều người lo lắng đồ chơi ngoại có chất độc hại. Vì thế, thương lái khắp nơi tìm đến gia đình ông Hòa để đặt hàng.