> Lê Văn Luyện có thể lãnh án hơn 18 năm tù
> Những dấu vết giúp lần tìm Lê Văn Luyện
Hai giờ mật phục
Dẫn PV Tiền Phong đến nơi các anh vây bắt hung thủ, đại úy Nguyễn Đức Cường (SN 1979), Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Na Hình, chỉ tay về phía mỏm đồi Pò Khuyên (thôn Na Hình, xã Thụy Hùng), kể: Nhận định đây là nơi trọng yếu hung thủ có thể đi qua, Đồn trưởng Nguyễn Năng Nhạ đã chỉ huy tổ công tác số 2 (Đồn biên phòng Na Hình bố trí 4 tổ truy bắt- PV) đón lõng đối tượng. Khoảng 14 giờ ngày 31-8, đại úy Cường chỉ huy tổ số 2 mật phục sau đám cây lau, sậy, bên trên là những cây thông lá ken dày ở đồi Pò Khuyên…
Khoảng 15 giờ 40 phút, phát hiện trên đỉnh đồi xuất hiện 3 bóng người đang đi men theo đường xương cá, thượng úy Du và thiếu úy Đạm nhanh chóng tỏa ra 2 bên, đi ngược lên trên đồi, tạo vòng cung khóa đuôi đối tượng. Quả đồi cao hơn 70m, dốc dựng đứng nhưng 2 sỹ quan biên phòng đi như con thoi.
Đến 16 giờ 30, ba đối tượng đến chân quả đồi, đi trước là Hoàng Văn Trai, kế đến là Lê Văn Luyện và Lê Văn Nghi. Lệnh tấn công được phát ra. Chiếc ô tô do đại úy Cường cầm lái chở thượng tá Nhạ từ nơi khuất vụt tới.
Họ đều là những sỹ quan biên phòng trẻ, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới Việt - Trung.
Đại úy Cường bật cửa xe, áp sát đối tượng, hỏi nhỏ: “Chú tên gì?” Người thanh niên mặc áo phông màu xanh nõn chuối buột miệng: “Cháu là Luyện”. Trong tích tắc, cánh tay Luyện bị bẻ quặt ra đằng sau, bập còng số tám.
Vẫn theo đại úy Cường, đến lúc này, Luyện vẫn nói: “Sao các chú bắt cháu?”. Thượng úy Du thông báo: “Các anh bị bắt vì xuất cảnh trái phép qua biên giới”. Ngay sau đó, thượng tá Nhạ ra lệnh dẫn giải Luyện lên xe ô tô về trụ sở đồn. Các ông Nghi, Trai (người sang Trung Quốc câu nhử, đưa Luyện về Việt Nam - PV) được các chiến sĩ biên phòng dẫn giải về sau bằng xe máy.
Bắt tội phạm gọn gàng
Theo quan sát của PV Tiền Phong, con đường mòn xuyên qua biên giới, nằm sát cột mốc 1057 rất thuận lợi để đi ngang về tắt. Cạnh bên là cửa khẩu Na Hình, đang được thi công, xây dựng với các hạng mục ngổn ngang. Dù đã về chiều, song lượng người, xe qua lại vẫn khá tấp nập. Tuy thế, việc đón lõng, truy bắt Lê Văn Luyện không gây xáo trộn lớn tại địa bàn này.
Một công nhân đang làm việc tại đây cho biết: “Tôi trực tiếp chứng kiến việc bắt giữ Luyện rất gọn. Đúng là đáng khâm phục, tôi cứ nói đùa rằng, các anh biên phòng bắt tội phạm nhẹ nhàng như hái một bông hoa dại”.
Đồn trưởng Nguyễn Năng Nhạ cho biết, cả 3 anh Cường, Du, Đạm đều đạt danh hiệu tiên tiến 3 năm liền, được Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn tặng nhiều giấy khen. Thượng úy Du, thiếu úy Đạm còn được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”, xung kích đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần cùng đơn vị bắt, xử lý 14 vụ/17 đối tượng vận chuyển, buôn bán heroin. Đại úy Cường khi được giao nhiệm vụ còn làm tốt công tác dân vận, được người dân cho mượn ô tô, góp phần bắt giữ tội phạm thành công.
Đại tá Mã Văn Cháo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn cho biết, chiến công của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Na Hình đã được thông báo đến các đơn vị trong lực lượng biên phòng tỉnh để phát động phong trào thi đua học tập.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị Nhà nước thưởng Huân chương chiến công cho tập thể đồn Biên phòng Na Hình, cùng cá nhân các đồng chí: thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, đại úy Nguyễn Đức Cường, thượng úy Phạm Trung Du, thiếu úy Hoàng Văn Đạm.