Gặp nghệ sĩ 47 năm hóa thân vào hình tượng Bác Hồ

TP - Một ngày đầu tháng 4, một vị khách đặc biệt đến thăm Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Bắc Giang. Đó là một người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu. Ông mang theo những bức ảnh cũ gắn liền với những câu chuyện thú vị về Bác Hồ.
Nghệ sĩ Văn Tân với những bức ảnh kỉ niệm về vai diễn hình tượng Bác Hồ

Ðưa hình tượng Bác lên sân khấu

Nhà nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Văn Tân nằm trong một con ngõ nhỏ của đường Hùng Vương ở thành phố Bắc Giang. Đó là căn nhà đã cũ, các bức tường ở phòng khách hầu như được phủ kín những bức ảnh gắn liền vai diễn của ông về hình tượng Bác Hồ.

Trong nhà nghệ sĩ Văn Tân có tượng và bàn thờ Bác Hồ. Mỗi lần đi diễn ông đều báo cáo Bác

Ông lấy trong tủ một túi đồ, bên trong là những bức ảnh khác, ghi lại kỉ niệm về những lần ông vào vai Bác. Vừa lần giở từng bức ảnh, người nghệ sĩ già say sưa trò chuyện về nghiệp diễn của mình.

Ông sinh năm 1943 ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, trong gia đình thuần nông, chưa từng có ai theo con đường nghệ thuật. Ngày còn bé, mỗi khi có đoàn văn công về làng diễn, ông xem say mê và mơ ước sau này được đứng trên sân khấu. Năm 1967, nghe tin Sở Văn hóa Hà Bắc cũ về huyện Tân Yên tuyển diễn viên kịch nói, ông đi bộ hơn 25 cây số xuống dự tuyển. Với đam mê và tài năng, ông lọt vào “mắt xanh” những người tuyển dụng. Vào Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, ông được đào tạo, rồi đảm nhận vai diễn chính trong nhiều năm. Sau 3 năm, ông trở thành Đội trưởng Đội Kịch của Đoàn ca múa kịch Hà Bắc.

Trong nghiệp diễn hình tượng Bác Hồ, NSƯT Văn Tân nhiều lần được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến xem và động viên, như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang… Ngày 11/11/2010, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận nghệ sĩ Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh nhiều nhất.

Cơ duyên đưa ông đến vai diễn hình tượng Bắc Hồ bắt đầu từ năm 1970. Lúc ấy, trong một lần nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ về thăm Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc có nói về việc đồng chí Tố Hữu (Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương lúc bấy giờ) đề nghị 5 - 7 năm sau, các nghệ sỹ kịch nói và điện ảnh cố gắng có hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh. Sau buổi nói chuyện đó, nghệ sĩ Văn Tân âm thầm thực hiện ý tưởng vào vai diễn Bác Hồ. Ông đi bộ xuống tận huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cách nhà khoảng 30 cây số lấy cây đay, rồi ngâm lấy sợi tơ trắng để làm râu, tóc. Sau đó, ông hóa trang thành hình ảnh Bác Hồ. Ông tự mày mò viết hoạt cảnh “Kỉ niệm cao quý” với nội dung Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ Thủ đô, khen quân và dân bắn cháy máy bay Mỹ, rồi chia kẹo cho mọi người. Ngày 17/1/1974, hoạt cảnh được đưa lên sân khấu tại Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc, nghệ sĩ Văn Tân lần đầu đóng hình tượng Bác Hồ.

“Lần đầu vào vai hình tượng Bác Hồ diễn trên sân khấu, tôi rưng rưng xúc động. Kết thúc vở diễn, người xem hò reo chúc mừng, nhiều người khen tôi diễn tốt, dám nghĩ, dám làm. Tôi sung sướng lắm, chỉ mong mình được tiếp tục đi diễn về Bác” - nghệ sĩ Văn Tân nhớ lại.

Sau đó, ông được đồng chí Vũ Thơ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc lúc đó viết thư riêng giới thiệu gặp ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác để tìm tư liệu về Người. Từ năm 1978 đến 1981, nghệ sĩ Văn Tân nhiều lần gặp ông Vũ Kỳ và được tặng bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập gồm 10 quyển, băng ghi âm 13 bài Bác diễn thuyết, nói chuyện, đọc thơ. Nhiều lần, ông còn được ở lại cùng làm việc với đồng chí Vũ Kỳ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ra ao cá Bác Hồ cho cá ăn và nghe kể chuyện về Bác. Từ những tài liệu đó, nghệ sĩ Văn Tân đọc, ngẫm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác để thể hiện sinh động trên sân khấu.

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”

Cầm trên tay bức ảnh chụp tại Bến cảng Nhà Rồng, nghệ sĩ Văn Tân xúc động kể, sau ngày đất nước thống nhất, ông được diễn hình tượng Bác Hồ ở TPHCM với nhiều cảm xúc dâng trào. Cơ duyên của việc đó bắt nguồn từ việc ông Ba Xuân - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận ra Hà Nội họp, biết nghệ sĩ Văn Tân thể hiện hình tượng Bác Hồ được nhiều người yêu thích. Ông Ba Xuân đã mời ông về Bình Thuận dạy cho nghệ sĩ Thái Phụ ở đoàn cải lương “Nhạn Trắng” đóng vai Bác Hồ. Sau này, ông Ba Xuân về làm ở Cục Nghệ thuật miền Nam đã mời ông vào Sài Gòn.

Năm 1990, ông Nguyễn Văn Tòng - Giám đốc Sở Văn hóa TPHCM mời nghệ sĩ Văn Tân diễn hình tượng Bác Hồ trong vở kịch “Bác Hồ với văn nghệ sỹ” tại Hội Sân khấu thành phố. Trước khi diễn, có Thượng tướng Phạm Văn Trà ngồi trò truyện, động viên. “Vở diễn đầy cảm xúc. Vì năm 1968, Bác Hồ nói chuyện với Đại tượng Nguyễn Chí Thanh về cuộc đời của Bác làm cách mạng đi đến nơi, nhưng về chưa đến chốn. Cách mạng thành công ở miền Bắc, nhưng mộ bố mẹ Người ở miền Nam, Bác vẫn chưa vào thăm được. Tôi được hóa thân vào hình tượng Bác Hồ sau năm 1975 vào miền Nam với mong muốn thể hiện ước mong của Bác nên rất hạnh phúc” - nghệ sĩ Văn Tân bùi ngùi nói.

Sau buổi diễn đó, hằng năm, nhiều tỉnh thành miền Nam đến dịp tháng 4 hoặc tháng 5 đều mời nghệ sỹ Văn Tân vào diễn hình tượng Bác Hồ trên các sân khấu. Nghệ sĩ Văn Tân chia sẻ, có một chi tiết đặc biệt trong các vở kịch ông tự viết và vào vai Bác Hồ luôn có hoạt cảnh nhỏ lúc mở đầu và kết thúc vở kịch thường có câu “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Theo ông, ý nghĩa của hoạt cảnh đó nhấn mạnh ước muốn của Bác khi còn sống luôn hướng về miền Nam ruột thịt, miền Nam luôn trong trái tim Người.

Ông nhớ nhất đó là dịp 2/9/1990, tại địa đạo Củ Chi TPHCM, trong chương trình “Rước đuốc về nguồn” do Bộ tư lệnh miền Đông tổ chức, nghệ sĩ Văn Tân vào vai Bác Hồ. Khi diễn xong, nhiều cụ già xúc động rơi nước mắt, rồi tràn lên sân khấu cầm tay ông: “Các cụ bảo rằng, mấy chục năm nay mới được gặp lại Bác Hồ. Các cụ đứng trên sân khấu với tôi hàng chục phút không chịu về chỗ ngồi. Tôi rất cảm động” - nghệ sĩ Văn Tân tâm sự.