Có con đường xuyên biển thời Nam tiến - Kỳ cuối:
Gặp anh hùng thủy quân lái thuyền gỗ
> Những thủy thủ cuối cùng
> Cảm tử vận tải biển
> Có con đường xuyên biển thời Nam tiến
Thuyền trưởng ghe bầu
Căn nhà giản dị của ông nằm cuối phố Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam) rợp bóng cau. 85 tuổi, khỏe và minh mẫn, bên tách trà, ông Xế dí dỏm pha vào những câu chuyện tiếu lâm. Ông bảo, những ngày tháng lênh đênh trên biển, chẳng biết sống chết ra sao, mọi người cùng pha trò để quên đi căng thẳng.
Sinh ra giữa miền sông nước Hội An, những lần cùng cha - cụ Nguyễn Hiển - dong thuyền chở hàng xuôi ngược Trung - Nam, sớm dạy ông thông thạo luồng lạch sông biển. Tháng 10 -1945, ông gia nhập Vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 81. Đang tham gia mặt trận Phú Yên, ông Xế được Trung đoàn trưởng Ngô Phúc Điềm giao nhiệm vụ làm “lính thủy quân lái thuyền gỗ” trong một đơn vị vận tải biển, tiền thân của Tiểu đoàn cảm tử 248 (Ban vận tải thủy, Liên khu V).
“Lúc đó tôi gần 20 tuổi, người nhỏ thó nhưng sẵn kinh nghiệm lái ghe bầu, tôi được cử làm thuyền trưởng rồi đoàn trưởng mở các chuyến thuyền vượt biển Bắc - Nam” - ông Xế kể. Tháng 5 -1947, chuyến thuyền đầu tiên của tiểu đoàn 248 xuất bến từ biển Tuy Hòa (Phú Yên). Thuyền trưởng Xế nhận lệnh vận chuyển vũ khí, quân trang cho tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 81). Gần một tuần lênh đênh trên biển, ông Xế cho tàu nương sức gió, giao hàng an toàn. Vừa kết thúc, ông Xế tiếp tục nhận nhiệm vụ đưa thuyền sang Trung Quốc tiếp nhận quân khí. Lúc này, ông Cao Hồng Lãnh (cán bộ Liên khu V) tiền trạm đã gom đủ số vũ khí, đạn dược chờ chuyển về.
Tối một ngày đầu tháng 2 - 1948, ông Xế giả dạng ngư dân đánh cá, chèo thuyền ra phía Cù Lao Chàm (Hội An), rồi căng buồm hứng gió trực chỉ phía Bắc. Lần đầu ra phía Bắc, cả thuyền khá ngỡ ngàng, hồi hộp. Sức gió thuận lợi, thuyền lao nhanh trên mặt biển nhưng phải mất nhiều ngày dò đường mới đến được địa điểm mật định. Những chiếc thúng nhỏ nhanh chóng vận chuyển vũ khí đưa lên thuyền. Ngay hôm đó, thuyền trưởng Xế cùng thuyền phó Nguyễn Hóa về lại bãi tập kết Vũng Rô (Phú Yên).
Những tốp ghe bầu của tiểu đoàn 248 nối đuôi nhau trên những tuyến biển vận chuyển hàng hóa. Thuyền chia làm hai loại: vận tải lớn (6 - 8 tấn/chiếc), loại nhỏ (1 - 2 tấn). Mỗi thuyền có 6 - 8 cán bộ, lính thủy. Mỗi chuyến có một chiếc lớn đi độc lập, hoặc nhiều ghe bầu nhỏ thành đoàn Nam tiến (10 - 12 ghe bầu/đoàn) và kéo dài gần tháng trời.
Ông Xế nói: “Ngày đó không có thuyền máy thủy lực. Sức tay chân chèo chống hết. La bàn cũng không. Phải căn từng mét nước, lựa từng hướng gió, đi theo mùa. Dịp gió thổi ra Bắc thì nhổ neo về hướng này để đưa vũ khí vào Vũng Rô, Tuy Hòa. Mùa gió nồm, chuyển vũ khí vào Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…”.
Cảm tử cứu hàng
Đầu năm 1950, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đại diện Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đến tiểu đoàn 248 giao nhiệm vụ tối mật. Ông Nguyễn Duy Khâm - Phó ban vận tải (Phòng cung cấp Liên khu V) điểm mặt từng người dặn dò: “Chuyến hàng này vô cùng đặc biệt, ngoài 10 tấn vũ khí còn có những mặt hàng khác cực kỳ quan trọng”, rồi tiến lại đoàn trưởng Xế giao thùng hàng: “Đây là vật bất ly thân, còn đồng chí thì còn hàng, đồng chí mất thì thùng hàng mất, tuyệt đối không được để thất lạc, đến điểm giao hàng sẽ có ám hiệu”.
19 giờ, thuyền trưởng Xế cùng 7 cán bộ, lính thủy giong thuyền xuất phát từ Ma Liên (Tuy Hòa) hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu. Gió bấc mỗi lúc một mạnh, thuyền căng buồm ra phía hải phận quốc tế để tránh sự tuần tiễu của tàu Pháp. Khuya, sóng gió bất ngờ đánh gãy bánh lái, mọi người ra sức chèo tay, dùng buồm điều khiển… Nhưng rồi con thuyền bị sóng đánh toác, chìm nghỉm. Mọi người lao xuống biển. Ông Xế ôm khư khư thùng hàng. May mà thùng khá to, lại nổi được trên mặt nước nên ông bám víu vào được. Trong đầu ông chỉ có một tâm niệm phải bảo vệ cho được thùng hàng đặc biệt này. Giữa mặt biển cuồn cuộn đen đặc, đồng đội Nguyễn Cái, Lê Oanh, Võ Đối (người Điện Bàn, Quảng Nam) đều bị nước nhấn chìm. Ông gắng gượng nhìn ánh đèn đất liền bơi đến, rồi mệt lả, ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, ông Xế thấy mình bị sóng đánh dạt vào bờ biển, sát đồn Đại Lãnh (Khánh Hòa) bên cạnh thùng hàng. Biết đồn địch, ông tức tốc rời bãi đá, bơi về phía vịnh Vũng Rô. Tại đây, ông được cán bộ Ủy ban kháng chiến Hồ Dũng đưa về Ban vận tải Liên khu. “Thấy tôi mang thùng hàng về, anh Khâm không cầm được nước mắt. Vừa mở thùng hàng, giọng ông rắn rỏi: Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Biết là lời động viên, nhưng bản thân tôi cảm thấy mình còn chưa xứng đáng vì để nhiều đồng đội hi sinh” - ông Xế bộc bạch. Lúc này, ông Xế mới biết thùng hàng tối quan trọng gồm 4 kg vàng, 2 triệu đồng Đông Dương. 26 kiện tín phiếu bị sóng đánh dạt vào ven biển, sau đó được nhân dân các địa phương gom nộp cho cán bộ.
Ông “4 nhất”
Ngay sau chuyến biển năm 1950, ông Xế tiếp tục chỉ huy các chuyến vượt biển mới. Tất cả đều trót lọt, vượt qua hàng rào tuần tiễu trên biển của tàu chiến Pháp, cập bờ biển Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ninh Thuận… Ông nhẩm tính: từ năm 1947 - 1954, đơn vị đã vận chuyển được 2 vạn tấn vũ khí, hàng hóa, quân trang từ Quảng Bình, Liên Khu V vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Ngoài ra còn đưa vào Nam và ra Bắc hàng trăm đoàn cán bộ cao cấp.
Trong chuyến cập bến Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Xế cùng đoàn được đồng chí Đào Duy Quang, đại diện Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng 100 đồng tiền Đông Dương. Tháng 5 - 1955, tiểu đoàn 248 giải thể, ông Xế về công tác ở Cục vận tải đường sông (Bộ GTVT), làm việc tại Cty Vận tải đường sông Bạch Đằng (trụ sở Hải Phòng). Vẫn bản chất nhanh nhẹn, sắc sảo của người thủy thủ, ông nhiều lần chỉ huy xà lan thoát khỏi các đợt bom đạn của địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong căn phòng nhỏ, ông treo trang trọng các huân, huy chương, đặc biệt bằng khen do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng (tháng 3 - 1966). Tháng 5 - 2010, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
“Còn nhiều đồng đội, đồng chí đã anh dũng hi sinh để mở tuyến đường vận tải cảm tử trên biển chưa được quan tâm khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng. Nếu họ được như vậy, tấm bằng của tôi mới ý nghĩa, trọn vẹn”. Ông Nguyễn Văn Xế