Gạo xuất khẩu tăng mạnh về khối lượng lẫn giá trị

TPO - Tháng 5/2020, xuất khẩu (XK) gạo tăng mạnh so với tháng 4, đưa tổng XK gạo 5 tháng đầu năm 2020 tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước cả về khối lượng lẫn kim ngạch XK. 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2020, XK gạo Việt Nam đạt gần 954.000 tấn, kim ngạch đạt trên 492 triệu USD, tăng đến 87% về lượng và 93,6% về giá trị XK so với tháng trước đó.

Tính hết 5 tháng đầu năm 2020, XK gạo cả nước đạt 3,091 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và 26,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện một doanh nghiệp lương thực tại ĐBSCL, nguyên nhân của sự tăng vọt XK gạo trong tháng 5 là do việc dừng XK gạo trong hơn một tháng trước đó đã khiến một lượng hàng XK nhất định mắc kẹt không giao được cho đối tác.

“Ngay sau khi Chính phủ cho phép XK gạo bình thường trở lại (ngày 1/5/2020 - PV), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh giao hàng, giúp khối lượng gạo XK tăng mạnh” – đại diện doanh nghiệp cho hay.

Tại phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Philippines hôm 8/6 mới đây, Việt Nam cũng đã trúng thầu bán cho quốc gia này 60.000 tấn gạo với giá 497,3 USD/tấn, cao hơn giá gạo của hai nước khác cùng trúng thầu đợt này là Ấn Độ và Myanmar.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Giá lúa, sẽ tăng diện tích và sản lượng lúa tại ĐBSCL

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, lúa ở ĐBSCL hiện vẫn có giá tốt, duy trì ổn định tương đương và tăng nhẹ so với hồi đầu tháng 5, thời điểm sau khi Chính phủ cho phép XK gạo bình thường trở lại.  

Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 có giá khoảng 5.500 đồng/kg; lúa OM5451 giá 5.600 đồng/kg; lúa OM6976 ở mức 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Jasmine từ 5.900-6.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 là 5.800-5.950 đồng/kg… Trước đó, nhiều thương lái đã đặt cọc với nông dân để mua lúa Hè Thu.   

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa Hè Thu 2020, vùng ĐBSCL có diện tích ước đạt hơn 1,5 triệu ha; năng suất ước 56,61 tạ/ha (tăng 1,28 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn (tăng 31 nghìn tấn so với vụ Hè Thu 2019).

Theo ước tính ban đầu từ các tỉnh, sau khi trừ lượng lúa gạo dùng tiêu thụ trong nước thì lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu (XK) đạt khoảng 2,3-2,5 triệu tấn (gạo chất lượng cao hơn 1 triệu tấn; gạo thơm 580 nghìn tấn; gạo chất lượng trung bình 400 nghìn tấn; nếp và gạo hạt tròn 224 nghìn tấn).

Vụ Thu Đông năm nay ở ĐBSCL có 2 phương án. Thứ nhất, sẽ gieo sạ 750.000ha, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt trên 4,1 triệu tấn (tăng 25.800ha và 215.000 tấn so với vụ Thu Đông 2019). Còn phương án 2, dự kiến xuống giống 800.000ha, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt trên 4,4 triệu tấn (tăng 75.800ha và 492.000 tấn so với vụ Thu Đông 2019).

Dự báo mùa lũ năm 2020 thấp, trong khi giá bán lúa vụ Đông Xuân, Hè Thu khá cao và dự báo giá tiếp tục giữ ổn định trong vụ tới. Theo Cục Trồng trọt, việc lựa chọn phương án 2 được xem là khả thi, vừa đảm bảo lợi nhuận tốt, vừa bù đắp được sản lượng thiếu hụt của vụ Đông Xuân vừa qua.

Trong 800.000ha lúa Thu Đông ở ĐBSCL, lịch xuống giống sẽ là tháng 6 (286.000ha), tháng 7 (178.000ha), tháng 8 (214.000ha) và tháng 9 (131.000ha).