Thừa Thiên-Huế:

Gần 1.300 ha lúa sắp thu hoạch đổ rạp do giông lốc

TPO - Giông lốc xảy ra liên tiếp trong những ngày qua tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) gây thiệt hại về nhà cửa, cây cối, ảnh hưởng hoạt động cấp điện sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Chiều 5/5, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế cho biết, đợt mưa giông kèm theo gió lốc diễn ra liên tiếp trong hai ngày gần đây đã làm gần 1.300 ha lúa đông xuân vừa chín tới bị ngã đổ, gây khó khăn cho việc thu hoạch, nguy cơ ảnh hưởng năng suất, chất lượng lúa.

Giông lốc làm đổ ngã gần 1.300ha lúa đông xuân tại TT-Huế.

Các địa phương có số diện tích lúa bị ngã đổ nhiều nhất tập trung ở các huyện, thị Quảng Điền (450 ha), Hương Thủy (300 ha), Hương Trà (200 ha) và TP. Huế (150 ha).

Phần mái một ngôi trường tại huyện Phú Vang bị gió lốc thổi bay.

Lúa chín bị đổ ngã hàng loạt gây ảnh hưởng đến năng suất từ 5-10%. Ngay sau khi tạnh mưa, trời hửng nắng, nông dân thuộc các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã huy động máy móc, nhân lực tiến hành thu hoạch nhanh diện tích lúa bị đổ ngã này nhằm tránh chịu thêm thiệt hại.

Lúa sắp chín bị ngã rạp do gió lốc tại thị xã Hương Thủy.

Bên cạnh ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, giông lốc còn gây tốc mái nhà người dân, trường học, trụ sở làm việc, làm gãy đổ cây xanh và đứt đường dây trung thế. Tại thị xã Hương Trà, giông lốc đã làm mất điện sinh hoạt trên diện rộng, ảnh hưởng hơn 90.000 khách hàng.

Cây xanh tại TP. Huế bị gió lốc quật đổ. Ảnh: Hà Nguyên

Đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tại TT-Huế đã hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thực hiện các biện pháp khắc phục, thu hoạch nhanh; đồng thời, huy động lực lượng bộ đội, dân quân, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ khắc phục thiệt hại nhà cửa, trường học bị gió lốc làm tốc mái.

Ngành nông nghiệp TT-Huế chỉ đạo các địa phương phải nhanh chóng thu hoạch số diện tích lúa bị đổ ngã này nhằm tránh gây thiệt hại thêm cho nông dân.

Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế đã kiểm tra hiện trường, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả giông lốc và chỉ đạo các địa phương, HTX nông nghiệp huy động tối đa công suất của các loại máy gặt, có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt hợp lý để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa còn lại.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương có kế hoạch huy động lực lượng tại cơ sở như đoàn viên, thanh niên, dân phòng, bộ đội, công an... sẵn sàng giúp người dân thu hoạch lúa kịp thời.