“Chúng ta không có lựa chọn nào, hợp tác là điều cần thiết để cứu thế giới”, Tổng thống Joko Widodo nói trong bài phát biểu khai mạc, trước khi các lãnh đạo bắt đầu thảo luận kín.
“G20 cần là chất xúc tác để phục hồi kinh tế bao trùm. Chúng ta không nên chia thế giới thành những phần khác nhau. Chúng ta không thể để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh nữa”, ông Widodo nói.
G20 chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại và 60% dân số của thế giới.
Một dấu hiệu tích cực trước khi thượng đỉnh diễn ra là cuộc gặp kéo dài 3 tiếng rưỡi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên đồng ý sẽ trao đổi thường xuyên hơn dù còn nhiều khác biệt.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ từ khi ông Biden trở thành tổng thống và có vẻ báo hiệu sự cải thiện trong quan hệ song phương giữa hai siêu cường sau nhiều tháng lao dốc.
Cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng lạm phát nghiêm trọng toàn cầu phủ bóng hội nghị đầu tiên của G20 từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Phương Tây kêu gọi tẩy chay Nga khỏi diễn đàn và rút lời mời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Indonesia không chấp nhận, đồng thời còn thúc ép G7 hạ giọng với Nga tại hội nghị tuần này.
Nga nói rằng ông Putin quá bận nên cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov dự thay. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại hội nghị bằng hình thức trực tuyến, Đại sứ EU tại Indonesia cho biết trên Twitter.
Hội nghị lần này có thể không ra được tuyên bố chung, vì văn bản này đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các bên. Thay vào đó, Indonesia thúc đẩy việc ra tuyên bố của các lãnh đạo, các nguồn tin cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các quan chức tối qua đã đồng ý với dự thảo tuyên bố chung, trong đó lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Reuters. Tuyên bố này cần được các lãnh đạo thông qua.
Hội nghị của các bộ trưởng G20 trước đó không ra được tuyên bố chung vì bất đồng giữa Nga với các thành viên vì ngôn từ mô tả cuộc xung đột.