Như vậy, phía Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển miền trung theo cam kết với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trước đó, ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển miền trung và cam kết với chính phủ và nhân dân Việt Nam 5 điểm, trong đó có việc bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Ngày 28/7, Formosa Hà Tĩnh đã chuyển 250 triệu USD và chiều nay, số tiền còn lại đã được chuyển xong.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý cho UBND 4 tỉnh lùi thời hạn gửi báo cáo kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đến trước ngày 15-9.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đồng ý bổ sung các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ gồm: các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê hướng dẫn các Cục Thống kê phối hợp với các đơn vị chức năng của các tỉnh xây dựng định mức thiệt hại, thống kê, cung cấp các số liệu liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan tổ chức tổng hợp, thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong tuần cuối tháng 9-2016.